Các nhà khảo cổ đã tìm thấy lưỡi câu cá cổ xưa nhất thế giới trong một hang động trên đảo Okinawa của Nhật Bản.
BBC trích dẫn báo cáo được đăng trên tạp chí khoa học National Academy of Sciences cho biết, các nhà khảo cổ vừa tìm thấy một cặp lưỡi câu làm từ vỏ ốc biển, có niên đại khoảng 23.000 năm, cùng với những di tích cổ đại khác.
Nhóm khoa học, đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học Nhật Bản, đã tiến hành khai quật ba khu vực của Sakitari, hang đá vôi trên bờ biển phía nam của Okinawa, kể từ năm 2009 và vừa công bố phát hiện của họ trên tạp chí.
Phát hiện này cho thấy các kĩ thuật đánh bắt cá phát triển sớm hơn và phổ biến hơn so với những giả định trước đây.
Lưỡi câu cá cổ nhất thế giới, có niên đại 23.000 năm, làm từ vỏ ốc.
Con người từng được cho là chuyển đến sống trên Okinawa và các đảo lân cận khoảng 50.000 trước đây, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy quá trình thích ứng với cuộc sống và phát triển kỹ thuật hàng hải.
Những lưỡi câu cá cổ được tìm thấy gần nhất là ở Timor (Indonesia), với niên đại ít nhất 16.000 năm tuổi, và ở Papua New Guinea, khoảng ít nhất 18.000 năm trước đây.
"Các bằng chứng mới cho thấy sự phân bố địa lý rộng lớn hơn của các kỹ thuật hàng hải đầu tiên. Con người cổ đại sớm phát triển hàng hải mở rộng về phía bắc tới dọc theo bờ biển phía Tây Thái Bình Dương", theo National Academy of Sciences.
Ngoài ra, nhóm khảo cổ còn tìm thấy một số di tích khác như hài cốt con người, xương động vật (như lươn, ếch, cá, chim, động vật có vú nhỏ...), mảnh vụ vỏ sò, đá mài, vỏ cua bị cháy thành than.
Mảnh vụn vỏ cua thành than cung cấp bằng chứng về thói quen ăn uống theo mùa của người cổ đại. Kích thước vỏ cua cho thấy chúng bị bắt vào mùa thu, thời điểm cua trưởng thành và di cư về hạ nguồn để sinh sản, cũng là thời điểm thịt cua ngon nhất, theo The Guardian.