Tranh cãi về nơi chôn cất Chúa Jesus

  •  
  • 3.673

Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem chỉ là một trong nhiều địa điểm được cho là nơi yên nghỉ cuối cùng của Chúa Jesus bên cạnh nhiều ngôi mộ khác ở Ấn Độ và Nhật Bản.

Nhà thờ Mộ Thánh, Jerusalem, Israel

Theo Cơ Đốc giáo, thi thể Chúa Jesus được đặt nằm trên một phiến đá khoét từ hang động đá vôi sau khi Ngài bị quân La Mã hành hình trên cây Thánh giá cách đây hơn 2.000 năm. Bao phủ kín bên trên phiến đá này là công trình mang tên Edicule có nghĩa "ngôi nhà nhỏ" trong tiếng Latinh.

Công trình Edicule bên trong nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem.
Công trình Edicule bên trong nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem. (Ảnh: AP).

Là công trình trang trí bằng những ngọn đèn dầu, cột trụ và giá nến cỡ lớn, Edicule được xây dựng ở bên trên nơi thi thể Chúa được xức dầu, bọc vải liệm và chôn cất trước khi Ngài phục sinh. Edicule nằm bên trong nhà thờ Mộ Thánh, cách nơi Chúa Jesus bị hành hình vài trăm mét. Hiện nay, các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Quốc gia Athens đang tôn tạo Edicule và ngôi mộ bên trong.

Trong suốt 60 giờ tiến hành tôn tạo ngôi mộ, các nhà nghiên cứu nhận thấy ngôi mộ không xê dịch trong suốt lịch sử, đồng thời xác nhận sự tồn tại của hang động đá vôi phía sau những bức tường mộ.

Ngôi mộ cổ được nữ hoàng Helena, mẹ hoàng đế Constantine của Đế quốc La Mã tìm thấy. Theo Socrates Scholasticus, sử gia thế kỷ 4, Helena phát hiện cây Thánh giá Chúa bị đóng đinh ở cửa mộ.

"Chúng tôi không thể chắc chắn hoàn toàn nhà thờ Mộ Thánh là nơi chôn cất Chúa Jesus nhưng chúng tôi cũng dám chắc không có địa điểm nào đáng tin cậy hơn thế", Dan Bahat, nhà khảo cổ học ở Jerusalem, chia sẻ.

Mộ Vườn, Jerusalem, Israel

Một khu mộ khác mang tên Mộ Vườn được phát hiện ở Jerusalem năm 1867 cũng được xem là nơi chôn cất Chúa Jesus. Trong sách phúc âm thánh John có đoạn nói: "... ở nơi Chúa Jesus bị hành hình, có một khu vườn...".

Mộ Vườn được phát hiện ở Jerusalem năm 1867.
Mộ Vườn được phát hiện ở Jerusalem năm 1867. (Ảnh: Wikimedia Common).

Vào thập niên 1980, nhà khảo cổ người Israel Gabriel Barkay kết luận ngôi mộ có thiết kế phổ biến ở thế kỷ 7-8. Đường rãnh để lăn phiên đá ở cửa mộ trên thực tế là máng ăn cho lừa, được xây hơn một thiên niên kỷ sau khi Chúa Jesus qua đời.

Dù trong vài thập kỷ qua, nhiều sử gia bày tỏ nghi ngờ về tính xác thực của ngôi mộ, khu vực vẫn thu hút nhiều tín đồ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Mộ Talpiot, Jerusalem, Israel

Giả thuyết khác gây tranh cãi về mộ Chúa Jesus đề cập tới ngôi mộ tại khu phố Talpiot cách Jerusalem 5 km về phía nam. Ngôi mộ này từng được thám hiểm trong bộ phim tài liệu "The Lost Tomb of Jesus" năm 2007 của đạo diễn James Cameron. Theo bộ phim, trong quá trình san ủi vùng ngoại ô Jerusalem năm 1980, người ta tìm thấy 10 bình đựng xương cốt có thể chứa hài cốt Chúa Jesus và vợ con Ngài.

Mộ Talpiot ngày nay bị niêm phong kín bằng bê tông.
Mộ Talpiot ngày nay bị niêm phong kín bằng bê tông. (Ảnh: Handout).

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ và học giả về Kinh Thánh không tán thành giả thuyết nêu trên và địa điểm nhanh chóng bị lãng quên. Ngày nay, ngôi mộ bị niêm phong kín dưới phiến đá bê tông giữa khu phố vô danh trong khi các bình hài cốt được Cơ quan Cổ vật Israel lưu giữ.

Roza Bal, Kashmir, Ấn Độ

Đối với những người theo đạo Hồi, ngôi đền Roza Bal ở tỉnh Kashmir phía bắc Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng. Người đầu tiên khẳng định Chúa Jesus được chôn cất ở Roza Bal là Mirza Ghulam Ahmad, nhà sáng lập Hồi giáo Ahmadiyya, một nhánh của đạo Hồi phát triển vào thế kỷ 19. Theo Ahmad, Chúa Jesus sống sót sau khi bị hành hình và di cư đến Ấn Độ.

Giới học giả cho rằng đền Roza Bal không có mối liên hệ nào với mộ Chúa Jesus.
Giới học giả cho rằng đền Roza Bal không có mối liên hệ nào với mộ Chúa Jesus. (Ảnh: Flickr).

Năm 2010, ngôi đền từng phải đóng cửa tạm thời do những người Cơ Đốc giáo kéo đến xin lấy mẫu ADN của hài cốt chôn trong mộ để xét nghiệm. Giới nghiên cứu thống nhất đền thờ Roza Bal hoàn toàn không liên quan đến mộ Chúa Jesus.

Kirisuto no haka, Shingō, Nhật Bản

Ngôi mộ được cho là nơi chôn cất Chúa Jesus ở Shingō, Nhật Bản, đi kèm với lời kể hoàn toàn khác về cuộc đời Chúa Jesus. Gia đình Sajiro Sawaguchi ở địa phương khẳng định họ là con cháu của Chúa Jesus. Theo họ, Chúa Jesus đến châu Á năm 21 tuổi để theo đuổi tri thức và thần học. Ngài trở về Judea năm 33 tuổi nhưng bị bắt vì giảng đạo. Một người anh của Chúa Jesus chịu tội và chết thay Ngài trên cây Thánh giá.

Ngôi mộ được cho là nơi chôn Chúa Jesus ở Nhật Bản.
Ngôi mộ được cho là nơi chôn Chúa Jesus ở Nhật Bản. (Ảnh: AP).

Chúa Jesus quay trở lại Nhật Bản, trở thành một nông dân và kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản tên Miyuko. Ngài có ba người con gái và qua đời ở tuổi 106.

"Chúng tôi không khẳng định câu chuyện này đúng hoặc những gì viết trong Kinh Thánh sai. Tất cả những gì chúng tôi có thể nói là đây là một truyền thuyết cổ xưa rất thú vị và tùy theo mọi người đến đây quyết định nên diễn giải nó theo cách nào", BBC dẫn lời một bô lão ở ngôi làng.

Cập nhật: 27/12/2016 Theo VnExpress
  • 3.673