Xã hội ngày nay phát triển với tốc độ chóng mặt, điều này cũng được thể hiện ngay trong sự thay đổi cơ cấu việc làm. Theo thời gian, những ngành nghề không còn phù hợp sẽ bị loại bỏ, thay vào đó là những công việc mới xuất hiện nhằm phục vụ nhu cầu của con người.
Tuy nhiên, để xác định những loại công việc nào có thể xuất hiện trong tương lai là một điều khá mơ hồ. Do đó, đội nghiên cứu của chuyên gia Jayar LaFontaine thuộc Quỹ học bổng Canada (Canadian Scholarship Trust) đã tiến hành cuộc khảo sát quan điểm, ý kiến của người dân về nhu cầu và những điều có khả năng xảy ra, từ đó tổng hợp dự đoán những công việc có thể xuất hiện trong 15 năm tới.
Giống như cố vấn thông thường chuyên đưa ra những thông tin tham khảo thuộc các vấn đề riêng biệt, cố vấn robot ở đây được xem như những chuyên gia thiết kế và tư vấn công nghệ cho các gia đình.
Theo dự đoán, trong tương lai thị trường robot giúp việc sẽ rất phát triển, từ đảm nhận việc nhà cho đến những công việc như chăm sóc sức khỏe và giải trí. Việc mua một chú robot được xem như một khoản đầu tư và để có được một khoản đầu tư hiệu quả thì cần lựa chọn một robot phù hợp về chức năng và cả… túi tiền.
Đây chính là nhiệm vụ chính của cố vấn robot. Dựa vào các thông tin cần thiết như quá trình sinh hoạt, phản ứng của từng thành viên trong gia đình, những cố vấn sẽ đánh giá nhu cầu khách hàng và đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất.
Trong trường hợp robot không phù hợp, gây xáo trộn cuộc sống của họ, cố vấn robot sẽ ngay lập tức đưa ra giải pháp thay thế, nhằm phục vụ khách hàng chu đáo nhất có thể.
Theo LaFontaine, những bãi rác trên thế giới là những “mỏ vàng” đúng nghĩa chưa được khai phá, bao gồm rất nhiều kim loại có giá trị, nhựa, thủy tinh… Thậm chí theo Ramez Naam - tác giả của cuốn sách được đánh giá là xuất sắc “Nguồn tài nguyên bất tận” (The Infinite Resource) thì số lượng nhôm bị chôn lấp trong các bãi rác có thể lớn hơn lượng được sản xuất tại các mỏ nhôm trên thế giới.
Đây là lý do khiến các nhà thiết kế rác ra đời. Công việc của họ là tận dụng những phần giá trị của rác thải và làm nên nhiều sản phẩm có giá trị cao hơn. Theo dự đoán, công việc thiết kế rác sẽ được thực hiện tại cuối vòng đời sản phẩm, trưng thu lại nhiên liệu và tạo ra sản phẩm có giá trị mới.
Theo các chuyên gia, đây được coi là công việc rất cần thiết bởi số lượng các bãi rác trên toàn cầu hiện nay đang dần trở nên quá tải bên cạnh việc dân số thế giới tăng nhanh.
Hiện nay, hầu hết ở các bệnh viện, số lượng chuyên viên hướng dẫn chăm sóc sức khỏe không nhiều. Họ là những người có nhiệm vụ tìm hiểu và hướng dẫn cho người thân và bệnh nhân về các quy trình hệ thống y tế phức tạp.
Bệnh nhân và người nhà luôn muốn có một người hướng dẫn để họ có thể biết chuyện gì đang xảy ra, cần phải nói chuyện với ai về tình trạng của người bệnh và có thể hy vọng gì khi các bác sĩ yêu cầu chuyển bệnh nhân về nhà. Những người chỉ dẫn này xuất hiện nếu bệnh nhân và người nhà có câu hỏi hay cần đưa ra một lựa chọn khó khăn trong giai đoạn căng thẳng.
Trong một nghiên cứu mới đây về tác động của môi trường sống đến loài chuột, hai nhà thần kinh học Maral Tajerian và Sebastian Alvarado đã phát hiện ra, những con chuột được sống trong môi trường rộng rãi, giống với tự nhiên thì phần vỏ não hoạt động thông thường. Trong khi đó, những con chuột sống trong lồng có sự suy giảm hoạt động vỏ não một cách rõ rệt.
LaFointaine cho biết, tuy chuột và người là hai trường hợp khác nhau nhưng kết quả này cũng cho thấy sự quan trọng trong việc thiết kế môi trường dành cho loài người. Điều này khiến cho sự xuất hiện của các nostalgist - những nhà thiết kế hoài niệm trở nên cần thiết.
Những nhà thiết kế hoài niệm có thể giúp người già tận hưởng môi trường họ cảm thấy thoải mái nhất, mang đậm phong cách thời đại của mình. Theo dự đoán, những đất nước có dân số già như Nhật Bản sẽ rất cần phát triển loại ngành nghề này.
Nhờ sử dụng kết hợp công cụ robot, công nghệ scan và mạng tốc độ cao… các bác sĩ phẫu thuật sẽ có thể làm công việc của mình ở những địa điểm rất xa. Công việc của họ chỉ là điều khiển các công cụ robot phẫu thuật từ xa.
Ngày nay, việc phẫu thuật từ xa (telesurgery) hoàn toàn khả thi, tuy nhiên chi phí quá đắt đỏ và những nơi có thể thực hiện được thì công nghệ phẫu thuật thông thường cũng làm được điều tương tự với chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Ngoài ra, công nghệ telesurgery cần đường truyền tốc độ cao và ổn định nhằm đảm bảo quy trình phẫu thuật an toàn tối đa. Những điều này theo dự đoán có thể được khắc phục trong tương lai với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học và công nghệ loài người.
Việc khai thác thủy sản quá mức đang là vấn đề nổi cộm tại một số quốc gia như Canada. Theo ước tính, với tốc độ khai thác cá như hiện nay thì trong tương lai, số lượng các loài cá sẽ giảm đáng kể, khiến nguồn cung thủy sản không thể đáp ứng nhu cầu của người dân.
Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển ngành nghề nuôi cá theo mô hình Aquaponic - kết hợp giữa nuôi cá và trồng trọt, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân khi không còn khai thác thủy sản ngoài tự nhiên là khả thi.
Cụ thể, đó là tạo ra một hệ sinh thái khép kín gồm cá và các loại rau, trong đó cây trồng sẽ mọc bao phủ mặt nước, còn cá sống bên dưới. Chất thải từ cá sau khi đưa vào môi trường có chứa vi khuẩn cố định đạm, sẽ được chuyển hóa thành nitrates có tác dụng nuôi dưỡng rau xanh mọc bên trên. Nước sạch sau đó được tái tuần hoàn trở lại bể cá.
Theo LaFontaine, mô hình Aquaponic là ý tưởng đã có từ lâu nhưng có thể đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành thị trường ẩm thực bền vững. Các chuyên gia đồng thời kỳ vọng rằng, mô hình này sẽ cung cấp nguồn lương thực dinh dưỡng và lành mạnh, góp phần xóa bỏ quá trình “ăn mòn lương thực” - ám chỉ việc lượng lương thực ngoài tự nhiên ngày càng giảm sút.