Viên đá mã não được giữ như báu vật 140 năm, nhân viên bảo tàng ngã ngửa khi biết là trứng "quái thú"

  •  
  • 504

Sau 140 năm, nhân viên bảo tàng mới biết viên đá được cho là mã não lại là trứng của một loài "quái thú" khổng lồ.

Theo Live Science, một sự việc hi hữu đã xảy ra ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh). Đó là việc các nhà khoa học đã phát hiện ra sự thật về viên đá mã não thuộc Bộ sưu tập Khoáng vật học của bảo tàng. Được biết, viên đá này đã được bảo tàng lưu giữ trong 140 năm (kể từ năm 1883 đến nay) và được xếp danh mục đá mã não. Nó được ông Charles Fraser khai quật ở Ấn Độ trong khoảng thời gian từ năm 1817 đến năm 1843.

Viên đá mã não này có màu trắng xen lẫn hồng nhạt. Bề mặt của nó lại có màu nâu và không bằng phẳng mà lại thô ráp. Viên đá có hình tròn, chiều rộng bề ngang khoảng 15cm.

Bề mặt của viên đá có màu nâu đất, không bằng phẳng mà lại xù xì.
Bề mặt của viên đá có màu nâu đất, không bằng phẳng mà lại xù xì. (Ảnh: Live Science).

Tuy nhiên, trong chuyến đi đến một triển lãm khoáng sản ở Pháp, ông Robin Hansen – người phụ trách Bộ sưu tập Khoáng vật học của bảo tàng đã nhìn thấy một viên đá rất giống với thứ họ đang trưng bày. Hansen cho biết: "Lúc đó, tôi đang đi ngắm nghía các gian hàng ở buổi triển lãm. Một người đã cho tôi xem một quả trứng khủng long đã được tách vỏ. Nó cũng có hình tròn, vỏ xù xì và bên trong giống mã não. Khi ấy, trong đầu tôi chợt vụt qua hình ảnh của "viên đá mã não" ở bảo tàng. Chúng thực sự rất giống nhau."

Ngay khi trở về bảo tàng, Hansen đã đưa viên đá tới phòng phụ trách nghiên cứu về các loài khủng long của bảo tàng để kiểm tra một cách kỹ lưỡng. Các chuyên gia quyết định chụp CT để xác minh mối nghi ngờ của Hansen.

Lần này, họ phát hiện ra lớp vỏ quanh lớp mã não có kết cấu rất giống vỏ trứng. Ngoài ra, họ cũng nhận thấy viên đá gồm nhiều vật thể ghép lại với nhau. Tất cả mọi thông tin thu thập được đều cho thấy viên đá thực chất là một quả trứng của loài "quái thú" khổng lồ.

 Viên đá mã não được trưng bày trong bảo tàng thực chất là một quả trứng khủng long.
Viên đá mã não được trưng bày trong bảo tàng thực chất là một quả trứng khủng long. (Ảnh: Live Science)

Căn cứ vào địa điểm tìm thấy mẫu vật là ở Ấn Độ cùng kích thước, hình dạng cũng đặc điểm bề mặt, các nhà khoa học đã kết luận đây là trứng của loài khủng long có tên thằn lằn hộ pháp (Titanosauria). Quả trứng được cho là có niên đại từ 60 triệu năm trước, khi khủng long là loài sống phổ biến nhất ở Ấn Độ. Đầu năm 2023, các nhà khoa học đã tìm thấy một số lượng lớn các tổ của loài thằn lằn hộ pháp ở Ấn Độ.

Paul Barrett, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London cho biết: "Những hóa thạch khủng long đã tìm thấy ở Ấn Độ hầu hết là của loài thằn lằn hộ pháp".

Thằn lằn hộ pháp thuộc nhóm khủng long có kích thước rất lớn.
Thằn lằn hộ pháp thuộc nhóm khủng long có kích thước rất lớn. (Ảnh: Pinterest)

Thằn lằn hộ pháp, tức "titanosaur", là thuộc chi khủng long cổ dài (sauropod) hiền lành, ăn thực vật. Nó là nhóm có kích thước lớn nhất trong mọi loài khủng long, nên cái tên mang tiền tố "titan", tức những người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp. Khi chào đời, thằn lằn hộ pháp non chỉ lớn bằng một em bé sơ sinh với trọng lượng 2,7-3,6kg. Chỉ sau vài tuần, chúng có thể to bằng loài chó săn, nặng 32kg. Từ sau 20 tuổi, chúng lớn hơn cả một chiếc xe buýt chuyên chở học sinh.

Loài titanosaurians là nhóm khủng long cổ dài cuối cùng còn sót lại sau thời điểm xảy ra sự kiện tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn trắng. Loài Titanosaurs có kích thước khổng lồ và mỗi lần sinh đẻ khoảng 30-40 quả trứng. Nếu những quả trứng này có cơ hội nở và trưởng thành, con thằn lằn hộ pháp này có thể nặng tới 70 tấn. Mặc dù có thân hình to lớn nhưng trứng của thằn lằn hộ pháp tương đối nhỏ với đường kính từ 12 đến 15 cm.

 Tuy thằn lằn hộ pháp to lớn nhưng trứng của chúng khá nhỏ.
Tuy thằn lằn hộ pháp to lớn nhưng trứng của chúng khá nhỏ. (Ảnh: Live Science)

Theo Barrett, những con thằn lằn hộ pháp đã áp dụng chiến lược đẻ khoảng 30 đến 40 quả trứng một lần. Do thân hình quá khổ, những con cái sẽ dùng thảm thực vật hoặc đất để phủ lên những quả trứng để ấp. Hành vi này khá giống với cách rùa biển hay cá sấu đẻ trứng. Những con thằn lằn hộ pháp ở Ấn Độ có thể đã đẻ trứng vào vùng đất ấm ở gần núi lửa để giữ ấm. Đó là lý do vì sao các nhà khoa học tìm thấy nhiều hóa thạch của titanosaur giữa các lớp đá núi lửa ở một khu vực có tên Deccan Trap. Đây là một miền đá mácma lớn nằm trên cao nguyên Deccan vùng trung tây Ấn Độ.

Sau đó, núi lửa bất ngờ hoạt động khiến quả trứng bị bao bọc trong đá núi lửa đông đặc sau một vụ phun trào. Các cấu trúc bên trong cuối cùng sẽ bị phân hủy và nước giàu silica sẽ xâm nhập qua đá và đi vào khoang trứng, tạo ra mẫu mã não mà chúng ta thấy ngày nay.

Cập nhật: 11/12/2023 ĐSPL
  • 504