Chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành tựu nổi bật nhất của ngành khoa học vũ trụ trong giai đoạn 2010 - 2019, để xem chúng ta đã tiến xa hơn đến đâu trong việc khám phá vũ trụ bao la rộng lớn ngoài kia.
Trong giới thiên văn học, kính viễn vọng không gian Hubble có thể coi là một tượng đài lớn, và cũng đồng thời là nguồn cung cấp một lượng khổng lồ hình ảnh và dữ liệu về vũ trụ bao la. Năm 2009, việc lắp đặt thêm chiếc Wide Field Camera 3 cho Hubble đã mang tới thêm rất nhiều dữ liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu. Trong thập kỷ qua, dưới sự hỗ trợ của Hubble, các nhà khoa học đã có thể tính toán tốc độ giãn nở của vũ trụ, tính toán tuổi của những chòm sao, cũng như khám phá thêm nhiều điều mới về vật chất tối. Đồng thời, Hubble còn khơi gợi nên lòng đam mê thiên văn học cho rất nhiều người, thông qua những bức ảnh tuyệt đẹp về vũ trụ bao la ngoài kia.
Thập niên vừa qua cũng là quãng thời gian mà chúng ta thực hiện được rất nhiều cuộc thám hiểm tới các hành tinh trong hệ mặt trời. Trong đó có thể kể đến việc tàu Juno tới thăm sao Mộc vào năm 2016, tàu Dawn ghé thăm hành tinh lùn Ceres vào năm 2015, hay nhiệm vụ vũ trụ New Horizons đưa tàu thăm dò tới sao Diêm Vương.
Nhiệm vụ vũ trụ của tàu Cassini tới thăm dò sao Thổ vào năm 1997 đã kết thúc thành công sau 20 năm vào năm 2017, vào thời điểm mà tàu thăm dò hết nhiên liệu và lao xuống bề mặt của ngôi sao này. Thế nhưng, kể cả khi gần hết nhiên liệu, tàu Cassani vẫn tiếp tục cống hiến cho khoa học khi liên tục gửi những dữ liệu về cho các nhà nghiên cứu trong lúc lao nhanh xuống sao Mộc để tự hủy, tránh việc để lại rác ở ngoài vũ trụ.
Tàu vũ trụ Hayabusa 1 của Nhật Bản là chiếc tàu vũ trụ đầu tiên thành công trong việc mang một mẫu đá trên thiên thạch trở về Trái đất vào năm 2010. Mục tiêu của tàu Hayabusa 1 khi ấy là một thiên thạch nhỏ bay gần Trái đất mang tên 25143 Itokawa. Mẫu vật này đã trở thành tài nguyên nghiên cứu quý giá cho các nhà khoa học khi nghiên cứu về tính chất của các thiên thạch ngoài vũ trụ.
Vào cuối thập niên 70, các nhà khoa học đã khởi động một dự án đầy tham vọng: đưa tàu thăm dò Voyager 1 vượt ra khỏi hệ mặt trời. Và phải mất một hành trình dài hơn 40 năm, tới tận năm 2012, tàu Voyager 1 mới có thể hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi hệ mặt trời và tiến xa hơn nữa ra ngoài vũ trụ. Con tàu thăm dò này sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình thêm vài năm nữa, trước khi kết thúc hành trình vào năm 2025.
Các nhà vật lý đã biết đến sự tồn tại của sóng hấp dẫn từ lâu, tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ quan sát thực tế nào để chứng minh điều đó hết. Năm 2002, đài quan trắc sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser (LIGO) được xây dựng để phát hiện sóng hấp dẫn, tuy nhiên phải tới 13 năm sau mới thu được những kết quả đầu tiên. Cụ thể, vào năm 2015, đài LIGO đã phát hiện được sóng hấp dẫn sinh ra khi 2 hố đen vũ trụ va vào nhau. Cũng chính nhờ những nỗ lực này các nhà khoa học đứng sau dự án LIGO đã nhận được giải Nobel Vật lý vào năm 2017.
Thập niên vừa qua cũng chứng kiến sự bùng nổ về thành tựu của các công ty vũ trụ tư nhân, mà đi đầu trong đó là SpaceX của Elon Musk. Năm 2015, SpaceX đã hạ cánh thành công tầng đầu tiên của tên lửa Falcon 9, qua đó mở ra trang mới cho ngành tên lửa vũ trụ khi chứng minh việc tái sử dụng tên lửa là hoàn toàn khả thi. Trên thực tế, ý tưởng này đã từng được nghĩ đến bởi NASA từ tận thập niên 60 của thế kỷ trước, tuy nhiên phải đến hơn 50 năm sau, SpaceX mới có thể biến ý tưởng này thành sự thật.
Tháng 4 năm nay, không chỉ giới khoa học, mà toàn thế giới đều sửng sốt trước việc một nhóm các nhà thiên văn học thực hiện điều từng được cho là không thể: chụp ảnh hố đen vũ trụ. Họ thực hiện điều này nhờ việc sử dụng Kính thiên văn Chân trời Sự kiện EHT để chụp những quầng sáng xung quanh miệng hố đen (còn được gọi là vùng chân trời sự kiện). Khí gas tại vùng chân trời sự kiện nóng lên hàng tỷ độ, tạo ra một quầng có tên "bóng của hố đen".
Kể từ lần đầu đưa thành công tàu thám hiểm Sojourner lên bề mặt Sao Hỏa vào năm 1997, loài người đã đạt thêm nhiều bước đột phá lớn trong việc khám phá hành tinh đỏ. Tuy nhiên, năm 2012 đánh dấu một thành tựu lớn khác khi chúng ta hạ cánh thành công tàu tự hành Curiosity - chiếc tàu tự hành với công nghệ tân tiến nhất bấy giờ - lên bề mặt sao Hỏa.
Kể từ khi đặt chân lên sao Hỏa, tàu Curiosity đã gửi về cho các nhà khoa học những hình ảnh nghiên cứu quý giá, cũng như phát hiện những dấu vết được cho là của sự sống trên Sao Hỏa. Bên cạnh đó, nhiệm vụ vũ trụ của tàu Curiosity còn được công chúng biết đến hết sức rộng rãi, do NASA còn lập hẳn một trang Twitter riêng cho chiếc tàu thám hiểm này.
Năm 2011, chúng ta đã hoàn thiện trạm vũ trụ quốc tế ISS, từ đó duy trì sự hiện diện của con người ngoài không gian trong suốt thập niên vừa qua. Thành công của trạm vũ trụ này còn trở thành biểu tượng của sự hợp tác khoa học giữa các quốc gia, của sự hợp tác bất chấp màu da, tiếng nói vì một mục đích vĩ đại của nhân loại. Nói không ngoa, việc hoàn thiện trạm vũ trụ quốc tế ISS không chỉ là một thành tựu lớn của thập niên vừa rồi, mà có lẽ sẽ còn là một trong những thành tựu khoa học quan trọng nhất của thế kỷ 21.