8 công nghệ quân sự "không tưởng" nhưng có thật của Mỹ

  •   4,122
  • 47.212

Trong tình trạng căng thẳng đang leo thang tại nhiều điểm nóng trên toàn cầu, Mỹ đã quyết định chi khoảng 80 tỷ USD cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quân sự nhằm mục đích chế tạo vũ khí mới, áo giáp cũng như các trang bị liên quan, tăng 5% so với năm ngoái. Thậm chí, trong năm 2017, con số này dự tính sẽ cao hơn rất nhiều.

Sự gia tăng nhu cầu về các loại vũ khí đã khiến các nhà thầu quốc phòng, phòng thí nghiệm tại các trường đại học, thậm chí là các công ty khởi nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu nuôi dưỡng những hoài bão lớn với mục tiêu tạo ra được những phát minh mới đánh bại các công nghệ cũ, đồng thời khám phá ra nhiều sản phẩm đột phá trong lĩnh vực khoa học và bảo mật.

Một số loại vũ khí chuyên dụng trên không, một số dưới nước, trên mặt đất và một số khác để sử dụng ngoài vũ trụ. Tất cả những phát minh này đều thể hiện sự cải tiến, trí tò mò và cam kết của những kỹ sư cũng như các nhà khoa học xuất sắc nhất trên thế giới. Trong bài viết này, hãy cùng điểm qua 8 công nghệ tiên tiến nhất hiện nay vừa được các công ty và phòng thí nghiệm hợp tác với Cơ quan đặc trách kế hoạch nghiên cứu cấp cao trong lĩnh vực quốc phòng (DARPA - Defense Advanced Research Projects Agency) – cánh tay đắc lực trong việc phát triển vũ khí và khoa học của Bộ Quốc phòng Mỹ thông qua.

1. Đạn tự định vị mục tiêu

Đạn tự định vị mục tiêu
Đạn tự định vị mục tiêu có thể thay đổi quỹ đạo rất nhanh

Đạn tự định vị mục tiêu là những viên đạn có kích thước 50mm được trang bị các cảm biến nhỏ giúp chúng có thể thay đổi quỹ đạo nhanh chóng sau khi được bắn ra không trung. Sự có mặt của loại đạn công nghệ cao này giúp các tay súng bắn tỉa có thể bắn trúng mục tiêu đang di chuyển một cách rất dễ dàng.

Mặc dù chưa khẳng định được mức giá cụ thể của những viên đạn này nhưng chắc chắn, chúng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với loại tên lửa định vị đang được sử dụng hiện nay – loại vũ khí mà đôi khi mức độ chính xác không hề đảm bảo. Hiện tại, DARPA vẫn đang trong quá trình phối hợp cùng nhà thầu quân đội Teledyne Technologies và hãng sản xuất đạn dược Orbital ATK thực hiện dự án EXACTO, tuy nhiên, tổ chức này từ chối tiết lộ việc đường bay của những viên đạn này sẽ thay đổi như thế nào.

2. Máy săn tàu ngầm không người lái

Máy săn tàu ngầm không người lái
Máy săn tàu ngầm ACTUV

Mới đây, DARPA cũng đã tiết lộ thông tin về việc tháng 4 này sẽ ra mắt máy săn tàu ngầm có tên chính thức là "Anti-Submarine Warfare Continuous Trail Unmanned Vessel", hay gọi tắt là ACTUV. Thân tàu dài 40 mét và nặng 140 tấn. Dự kiến, tàu sẽ được làm lễ hạ thủy tại Portland, bang (Oregon) Mỹ vào ngày 7/4 năm nay.

ACTUV có khả năng ẩn nấp trong lòng biển sâu và xâm nhập vào lãnh hải của một khu vực khác mà không bị phát hiện. Loại máy này được trang bị hai máy sonar tầm ngắn và dài để dịnh hướng di chuyển cũng như dò tìm vị trí của tàu ngầm. Một khi ACTUV được chính thức ra mắt thì nó có thể sẽ trở thành cơn ác mộng của rất nhiều loại tàu ngầm trong tương lai.

3. Đại bác laser

Đại bác laser
Hệ thống vũ khí laser được trang bị cho xe tải

Đại bác laser – thứ vũ khí tưởng chừng chỉ xuất hiện trong khoa học viễn tưởng nay sắp có mặt trong thế giới thực tại. Hải Quân Mỹ đang tiến hành thử nghiệm Hệ thống Vũ khí Laser (LaWS) được đặt trên nóc tàu khu trục USS Ponce ở vùng Vịnh Ba Tư và dự định sẽ triển khai các loại vũ khí có kích thước lớn hơn cho các con tàu di chuyển ra khu vực lãnh hải nước ngoài để bảo vệ chúng trước các mối đe dọa như tàu tấn công nhỏ hay máy bay không người lái.

Trong khi đó, trên đất liền, hãng Boeing và Quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu một dự án có tên là HELMD (viết tắt của High-Energy Laser Mobile Demonstrator) nhằm mục đích tạo ra một hệ thống vũ khí laser được lắp đặt trên xe tải có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa như súng cối và Drone. Ngoài ra, hãng Lockheed Martin cũng đang dần hoàn thiện hệ thống vũ khí laser mới với tên gọi ATHENA (Advanced Test High Energy Asset) có khả năng đốt cháy xuyên qua khoang động cơ trong vài giây từ cách xa hơn 1,6 km

Nhìn chung, vũ khí laser có một lợi thế rất nổi bật là chúng có thể bắn liên tục với một nguồn năng lượng đầu vào khá thấp trong so sánh với các loại vũ khí khác. Tuy nhiên, một điểm yếu không thể phủ nhận là do năng lượng bị hao hụt rất nhanh nên tầm bắn của vũ khí laser tương đối hạn hẹp.

4. Hàng không mẫu hạm (Aircraft Carrier)

Hàng không mẫu hạm
Hàng không mẫu hạm có kích thước và khối lượng vô cùng lớn

TERN (Tactically Exploited Reconnaissance Node) là một trong những kế hoạch khẳng định vị trí bá chủ trên biển của Mỹ nhằm chuyển đổi toàn bộ các tàu chiến cỡ nhỏ thành tàu có thể triển khai được máy bay. Trong đó, cái tên USS Nimitz được xem là một trong những siêu hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới của Hải quân Hoa Kỳ.

USS Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân từ 2 lò phản ứng, có khoảng 5.000 thủy thủ đoàn, có sức chứa 90 máy bay (bao gồm cả phản lực và trực thăng) và khả năng phóng liên tục 4 máy bay chỉ trong vòng 1 phút (phóng mỗi chiếc mất 25 giây). Hàng không mẫu hạm này đóng vai trò vừa là tàu chiến, tàu hỗ trợ, vừa là căn cứ quân sự di động nổi trên biển, có thể đi đến gần như bất cứ vùng biển nào, giúp cho quân đội có thể triển khai không lực đến mọi nơi trên thế giới.

USS Nimitz là những tàu chiến có kích cỡ đồ sộ nhất hiện nay, cao tương đương một tòa nhà 20 tầng (gần 77 mét), dài bằng với chiều cao của tòa nhà Chrysler Building 77 tầng của Mỹ (gần 333 mét) và nặng hơn 91.000 tấn khi được trang bị đầy đủ (máy bay, bom, đạn dược, tên lửa...).

5. Tấm chắn plasma

Tấm chắn Plasma
Tấm chắn plasma để bảo vệ các phương tiện chiến đấu khỏi vụ nổ

Chắc hẳn bạn còn nhớ một cảnh trong phim "Star Wars" (Chiến tranh giữa các vì sao) khi một đội quân được bảo vệ bởi vòm cung năng lượng và các vụ nổ bị ngăn chặn ngay khi chúng tiếp xúc với lớp phòng thủ này.

Hãng Boeing mới đây vừa đệ trình mô hình của một hệ thống có thể bảo vệ các phương tiện chiến đấu từ nguy cơ bị tác động bởi mảnh vỡ của các vụ nổ, được gọi là "phương pháp và hệ thống làm suy giảm sóng xung kích bằng vòm cung điện từ", hay còn gọi là tấm chắn plasma. Cụ thể, hệ thống này có khả năng phát hiện các sóng xung kích của các vụ nổ trong khoảng cách gần và kích hoạt một vùng không khí ion hóa, tức là tạo ra một trường plasma giữa vụ nổ và phương tiện.

6. Áo ngụy trang chống ánh sáng hồng ngoại

Áo ngụy trang chống ánh sáng hồng ngoại
Ý tưởng áo ngụy trang được truyền cảm hứng từ loài mực

Loài mực vốn có khả năng thay đổi màu sắc và cấu trúc da để nó hòa mình cùng hậu cảnh, né tránh kẻ săn mồi. Dựa trên điều này mà các nhà khoa học tại Đại học California đã sử dụng một loại protein mang tên reflectin (có trong mực của loài mực ống có khả năng thay đổi bước sóng phản xạ và làm rối loạn các hệ thống quan sát) để chế tạo các màng phim có hoạt tính quang học giống như da mực và mỏng hơn 100.000 lần so với sợi tóc.

7. Siêu máy bay ném bom tàng hình

Siêu máy bay ném bom tàng hình
Siêu máy bay ném bom tàng hình có thể "miễn dịch" với radar

Siêu máy bay tàng hình thế hệ mới B-21 có hình dáng tương đồng B-2 vì ngay từ ban đầu, nó được thiết kế dựa trên bộ tiêu chuẩn cho phép sử dụng công nghệ hiện có. Tuy nhiên, B-21 có những tính năng vượt trội so với siêu máy bay B-2 như khả năng tàng hình siêu việt, không những tránh được hệ thống radar mà còn có khả năng thay đổi màu sắc theo môi trường xung quanh, chẳng hạn như đổi thành màu xanh nếu bay vào ban ngày, màu trắng nếu đang bị mây che phủ và màu đen khi bay trong bầu trời đêm. Ngoài ra, B-21 cũng sở hữu hệ thống phân tích định vị đánh bom vô cùng chính xác, khiến nó có khả năng hủy diệt vô cùng lớn.

8. Vũ khí làm nóng chảy vệ tinh

Vũ khí làm nóng chảy vệ tinh
Siêu vũ khí có thể làm nóng chảy vệ tinh của đối phương

Bộ quốc phòng Mỹ hiện đang phát triển một loại vệ tinh đặc thù có khả năng chuyên săn tìm và tiêu diệt vệ tinh của đối phương bằng cách tập trung phản chiếu ánh sáng mặt trời vào mục tiêu mà nó đang hướng tới. Trong khoảng một tuần, sức nóng cao sẽ làm cho hệ thống xử lý và điều khiển của vệ tinh mục tiêu bị rối loạn và hư hỏng dần dần. Sau đó, vệ tinh này sẽ không còn di chuyển đúng hướng và bị rơi khỏi quỹ đạo. Khi va chạm với tầng bình lưu của khí quyển, vệ tinh sẽ bị đốt cháy và phát nổ mà không để lại bất cứ một dấu vết nào cả.

Hiện tại, ý tưởng này đang được phát triển bởi Northrop Grumman Raytheon dưới nguồn vốn đầu tư của DARPA. Dự kiến, bản thử nghiệm sẽ được thực hiện vào 2018 và chính thức ra mắt vào năm 2021.

Cập nhật: 05/12/2017 Nắng Mai - Theo Kiplinger / Khampha.vn
  • 4,122
  • 47.212