Kho báu chứa một bộ sưu tập đồ tạo tác rực rỡ, trong đó hai bông tai bằng vàng là vật phẩm đáng chú ý nhất.
Một thực tập sinh ở miền Bắc nước Đức gần đây đã tìm thấy một thứ mà người cố vấn của anh ta không bao giờ ngờ tới, đó là một kho đồ trang sức bằng vàng và bạc.
Mặt trước của một chiếc bông tai bằng vàng theo phong cách Byzantine mới được tìm thấy ở Đức. (Ảnh: ALSH).
Mặt sau của một chiếc bông tai bằng vàng theo phong cách Byzantine được tìm thấy ở Đức. (Ảnh: ALSH).
“Kho báu lớn chứa một bộ sưu tập đồ tạo tác rực rỡ bao gồm hai bông tai bằng vàng chất lượng rất cao được đính đá bán quý, một chiếc trâm làm bằng đồng xu giả mạ vàng, hai chiếc nhẫn đeo tay đính đá mạ vàng, một mảnh nhẫn, một đĩa đục lỗ nhỏ trước đây được mạ vàng, một chiếc trâm đeo nhẫn, và khoảng 30 đồng xu bạc, một số bị vỡ vụn nặng nề", Ulf Ickerodt, giám đốc Cục Khảo cổ Bang Schleswig-Holstein (ALSH), thông tin với Live Science trong một email.
Có lẽ vật phẩm đáng chú ý nhất tìm được là hai chiếc khuyên tai. "Chúng có thể có niên đại khoảng và sau năm 1100 và thiết kế theo phong cách của các thợ kim hoàn Byzantine”, Ickerodt nói.
Theo Ulf Ickerodt việc phát hiện ra những vật dụng này là rất hiếm ở Schleswig-Holstein (Đức) và không rõ liệu những vật dụng này là tài sản cá nhân hay bị đánh cắp, liệu chúng là đồ đạc cất giấu hay chúng được chôn cất vì lý do nghi lễ. "Đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng, nguy hiểm dẫn đến việc cất giấu tài sản”, Ickerodt nói.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khảo cổ nghiệp dư và chuyên nghiệp đã cùng làm việc tại khu vực Schleswig-Holstein, và đặc biệt là di sản thế giới Haithabu của UNESCO tại Đức. Haithabu đã bị phá hủy và bỏ hoang vào khoảng năm 1066, chấm dứt kỷ nguyên Viking trong khu vực.
Tuy nhiên, khu vực Haithabu không bị bỏ hoang lâu, sau khi bị phá hủy vào giữa thế kỷ 11. Bên kia cửa sông Schlei, Schleswig đã bắt đầu phát triển thành một trung tâm thương mại và định cư. Ickerodt cho biết: “Một mạng lưới thương mại rộng lớn theo hướng bắc-nam và đông-tây đã phát triển ở đây từ đầu thời Trung cổ, trong đó khu vực Địa Trung Hải, Biển Bắc và Biển Baltic được hợp nhất”.
"Kho báu chắc chắn không được đặt xuống khu vực này một cách tình cờ”, Ickerodt nhấn mạnh.