Bất ngờ với khả năng biết tính số chẵn, lẻ của loài ong mật

  •  
  • 204

Một nghiên cứu được công bố cho thấy loài ong mật có thể học cách để tính số chẵn, lẻ giống như con người. 

Khả năng học tập và nhận thức của các loài động vật vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học.

Khi còn nhỏ, chúng ta đã được học về cách phân biệt giữa số chẵn và số lẻ. Theo đó, quy tắc các số kết thúc bằng 1, 3, 5, 7 hoặc 9 là số lẻ trong khi các số kết thúc bằng 0, 2, 4, 6 hoặc 8 là số chẵn đã trở thành một điều... khá hiển nhiên.

Cho đến nay, sự phân loại giữa chẵn và lẻ, còn được gọi là phân loại chẵn lẻ, chưa bao giờ được ghi nhận ở các loài động vật không phải con người. Thế nhưng trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Ecology and Evolution, các nhà khoa học ở Úc đã lần đầu tiên khám phá ra khả năng độc đáo này ở loài ong mật.

Các nhà khoa học dạy ong học đếm thế nào?

Những con ong được huấn luyện thông qua liên kết số lẻ với nước đường sẽ học nhanh hơn.
Những con ong được huấn luyện thông qua liên kết số lẻ với nước đường sẽ học nhanh hơn.

Trước đây, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng loài ong mật có thể học cách sắp xếp số lượng, thực hiện các phép cộng và trừ đơn giản, cũng như kết hợp các ký hiệu với số lượng.

Để dạy ong đếm số chẵn, lẻ, các nhà nghiên cứu đã tách các cá thể thành 2 nhóm: Một nhóm được huấn luyện để liên kết số chẵn với nước đường, và nhóm còn lại làm quen với số lẻ với chất lỏng có vị đắng. Sau đó, họ làm ngược lại.

Ở vòng cuối cùng, họ huấn luyện cho từng con ong bằng cách so sánh số lẻ với số chẵn bằng các thẻ hình in số từ 1-10, cho đến khi chúng chọn được câu trả lời đúng với độ chính xác lên tới 80%.

Điều đặc biệt, những con ong được huấn luyện thông qua liên kết số lẻ với nước đường sẽ học nhanh hơn. Điều này được cho là trái ngược với con người, khi chúng ta có xu hướng phân loại các số chẵn tốt hơn.

Tại sao lại là chẵn và lẻ?

Nhiệm vụ phân biệt chẵn - lẻ từ lâu đã được coi là khái niệm số học cấp cao và trừu tượng, chỉ có ở người. Điều thú vị là con người có thể có những liên kết trong nhiều lĩnh vực như độ chính xác, tốc độ, ngôn ngữ và sai lệch... khi phân loại các số số lẻ hoặc số chẵn.

Thí dụ, chúng ta có xu hướng phản hồi nhanh hơn với các số chẵn bằng cách liên hệ chúng các hành động được thực hiện bởi tay phải. Tương tự là các số lẻ với các hành động được thực hiện bởi tay trái.

Những nghiên cứu cho thấy con người có thể đã học được những thành kiến bẩm sinh về số chẵn và lẻ - thứ có thể đã nảy sinh thông qua quá trình tiến hóa suốt hàng thế kỷ.

Do đó, việc hiểu được khả năng và cách thức các loài động vật khác tiếp nhận khái niệm số chẵn và lẻ có thể giúp chúng ta biết thêm về lịch sử của chính loài người.

Bên cạnh đó, kết quả của nghiên cứu còn giúp chúng ta hiểu thêm về cách toán học và tư duy trừu tượng hình thành ở con người, thông qua việc một bộ não nhỏ bé, chỉ gồm 960.000 tế bào thần kinh, ở loài ong mật nhưng vẫn có thể hiểu các khái niệm về số chẵn, số lẻ và phân biệt được chúng không hề thua kém so với con người (với 86 tỷ tế bào thần kinh), nếu như chúng được huấn luyện đúng cách.

Cập nhật: 03/05/2022 Theo Dân Trí
  • 204