Bên trong nhà máy chế tạo tên lửa bí mật của tỷ phú Mỹ

  •  
  • 3.156

Trụ sở Blue Origin, công ty chế tạo tên lửa bí mật của ông chủ tập đoàn Amazon, nằm vô danh trong một khu công nghiệp ở Washington, Mỹ, không có cả biển báo bên đường cho khách ghé thăm.

Theo The New York Times, tỷ phú Jeff Bezos lần đầu tiên giới thiệu toàn cảnh bên trong Blue Origin trước các phóng viên vào hôm 8/3.

Quang cảnh bên trong nhà máy sản xuất tên lửa Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos.
Quang cảnh bên trong nhà máy sản xuất tên lửa Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos. (Ảnh: Blue Origin).

Blue Origin ra đời trong bước chuyển mình của ngành hàng không từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và những "ông lớn" như Lockheed Martin sang khu vực tư nhân, đặc biệt là các công ty kinh doanh quy mô nhỏ hơn. Space Exploration Technologies, hay SpaceX do Elon Musk, một tỷ phú khác nổi lên từ mạng Internet, sáng lập là ví dụ thành công và tiêu biểu nhất cho thế hệ công ty sản xuất tên lửa mới.

Bezos chụp ảnh cùng một phóng viên tại nhà máy Blue Origin.
Bezos chụp ảnh cùng một phóng viên tại nhà máy Blue Origin. (Ảnh: Frank Morring).

Tương tự Space X, Blue Orgin cũng nuôi giấc mộng chinh phục vũ trụ nhưng gần như luôn giữ kín mọi động thái. Trong 4 tiếng, Bezos dẫn 11 phóng viên tham quan vòng quanh nhà máy và trả lời những câu hỏi sau giờ ăn trưa. "Đây là toàn bộ niềm vui của tôi. Tôi hy vọng các bạn có thể nhận thấy tôi rất yêu thích nơi này", Bezos chia sẻ.

Nhà tỷ phú mô tả hình ảnh bên trên một bức tường ở khu trung tâm của công ty, khắc họa đôi rùa đang ôm chiếc đồng hồ cát, nhìn chăm chú vào vũ trụ và các hành tinh. Bên dưới bức hình là câu khẩu hiệu tiếng Latinh của Blue Origin "Gradatim ferociter", có nghĩa là "Vững vàng từng bước". "Bạn có thể tiến nhanh, nhưng không thể bỏ qua bước nào", Bezos giải thích.

Một kỹ sư đang ráp dù che phủ tàu vũ trụ New Shepard.
Một kỹ sư đang ráp dù che phủ tàu vũ trụ New Shepard. (Ảnh: Blue Origin).

Bezos cũng trao đổi những thông tin mới về kế hoạch phát triển ngành du lịch vũ trụ của ông. Tàu vũ trụ tái sử dụng New Shepard được phóng lên rìa vũ trụ vào tháng 11 năm ngoái và trở về Trái Đất trong tháng 1. Con tàu sẽ bay lên vũ trụ một lần nữa trong thời gian tới. Tùy theo tiến trình thử nghiệm, các du khách có thể bắt đầu chuyến đi ngắn và tận hưởng vài phút không trọng lực trong vũ trụ vào năm 2018.

Đôi lúc, Bezos ngừng phát biểu và để các kỹ sư thuyết trình về động cơ mới mang tên BE-4 đang trong quá trình phát triển. Phiên bản đầy đủ sẽ đi vào thử nghiệm cuối năm nay.

Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000 khi rất ít người biết về công ty. Ông bắt đầu nghiên cứu về tên lửa từ năm 5 tuổi. "Tôi chưa bao giờ kỳ vọng có đủ vốn để thành lập một công ty vũ trụ cho đến khi thắng chiếc vé xổ số mang tên Amazon.com", Bezos nói. Dù từ chối tiết lộ con số cụ thể, Bezos chia sẻ đã đầu tư rất nhiều tiền cho hoài bão của mình.

Năm 2005, Bezos bắt đầu phát triển tên lửa một cách nghiêm túc trong khi không ai biết về việc ông đang làm. Trong nhiều năm, những gì diễn ra tại đây hoàn toàn nằm dưới bức màn bí mật.

Khoang chở phi hành đoàn của tàu vũ trụ New Shepard.
Khoang chở phi hành đoàn của tàu vũ trụ New Shepard. (Ảnh: Blue Orgin).

Thỉnh thoảng, tin tức được tiết lộ dưới dạng một giải thưởng của NASA, một chia sẻ trên trang cá nhân của Bezos hay video về lần phóng thành công. Năm ngoái, công ty mới đưa ra thông báo chính thức tại Mũi Canaveral, Florida, nơi Blue Origin phóng tên lửa lên quỹ đạo.

Theo Bezos, tiêu thụ nhiên liệu đang tăng 2 - 3% mỗi năm. Ngay cả ở tốc độ vừa phải nhất, trong vòng vài thế kỷ, mức sử dụng năng lượng sẽ xấp xỉ năng lượng tạo ra từ những pin Mặt Trời hiệu suất cao trên toàn bộ bề mặt hành tinh. Tuy nhiên, trong hệ Mặt Trời có thể còn ẩn chứa nhiều năng lượng cũng như nhiên liệu thô khác và Bezos dự đoán đó sẽ là một "bước đảo ngược tình thế ngoạn mục".

Khai thác năng lượng từ vũ trụ là mục tiêu trong tương lai xa. Kế hoạch kinh doanh hiện nay của Blue Origins chia làm ba hạng mục. Đầu tiên là du lịch vũ trụ với những chuyến đi ngắn trên tàu New Shepard phóng từ West Texas.

Hầu hết các công ty tên lửa hiện thời chỉ có thể phóng tối đa khoảng 12 lần/năm. Với một nhóm nhỏ tên lửa tái sử dụng New Shepard, Blue Origins đủ khả năng thực hiện vài chục lần phóng mỗi năm.

Các kỹ sư kiểm tra khoang đốt chính của động cơ BE-4.
Các kỹ sư kiểm tra khoang đốt chính của động cơ BE-4. (Ảnh: Blue Origin).

Các kế hoạch kinh doanh khác bao gồm bán động cơ tên lửa cho các công ty như United Launch Alliance, để trang bị trên Vulcan, tên lửa thế hệ mới sẽ thay thế Atlas 5, Atlas 4 và phiên bản lớn hơn trong những chuyến chở hàng lên quỹ đạo.

Bezos nhấn mạnh Blue Origins tỏ ra khá kín tiếng về các động thái, không hẳn vì muốn giữ bí mật mà để tránh hứa hẹn thái quá. "Ngành công nghiệp vũ trụ thực sự rất dễ bị phóng đại", Bezos nói. Cuối năm nay, Blue Origin sẽ cung cấp nhiều chi tiết hơn về thiết kế tên lửa lớn phóng từ Mũi Canaveral.

Cập nhật: 15/03/2016 Theo VnExpress
  • 3.156