Theo kế hoạch ban đầu, SpaceX dự định phóng tên lửa Falcon 9 mang theo vệ tinh viễn thông JCSAT-14 của Nhật Bản lên không gian, vào hôm qua lúc 12:21 phút (theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết nên vụ phóng diễn ra ở Cape Canaveral, Florida (Mỹ) sẽ được tiến hành vào trưa nay. Như thường lệ, công ty vẫn sẽ cố gắng hạ cánh tên lửa về một con tàu không người lái trôi nổi trên biển, nhưng SpaceX cho biết họ không mong đợi thực hiện thành công điều đó trong sứ mệnh này.
Ở nhiệm vụ sắp tới, tên lửa đẩy Falcon 9 phải đưa vệ tinh JCSAT-14 vào một quỹ đạo hình elip rất cao phía trên bề mặt Trái đất - được gọi là quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh (GTO). Đây cũng là lý do mà SpaceX không hy vọng hạ cánh thành công tên lửa về sà lan tự hành. Công ty giải thích: "Tầng đầu tiên của tên lửa sẽ phải trải qua một vận tốc và nhiệt độ cực đoan, nên việc hạ cánh thành công trở nên không chắc chắn". Ngoài ra, phải tốn nhiều nhiên liệu hơn để tên lửa đi đến điểm GTO, so với việc phóng nó lên quỹ đạo thấp hơn như một số nhiệm vụ trước đây. Falcon 9 cần đạt tới một tốc độ cao hơn để có thể lên đến quỹ đạo cao hơn, thế nên hoàn toàn dễ hiểu khi tốn nhiều nhiên liệu hơn cho quá trình này. Chưa hết, điều đó còn khiến lượng nhiên liệu còn lại cho sự trở về của tên lửa không nhiều.
Đưa vệ tinh JCSAT-14 đi vào quỹ đạo là nhiệm vụ của SpaceX trong sứ mệnh mới này.
Trước đó vào tháng 4 năm nay, SpaceX cuối cùng cũng đã thành công trong việc hạ cánh tên lửa về sà lan trôi nổi trên đại dương, sau rất nhiều nỗ lực nhưng không thành. Đó cũng đánh dấu lần thứ 2 công ty có thể hạ cánh tên lửa về Trái đất, sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Lần đầu tiên là vào tháng 12 năm ngoái. Trong các bài phát biểu của mình, SpaceX cũng đã giải thích một cuộc đổ bộ trên đất liền chỉ phù hợp để đáp ứng ở một số nhiệm vụ, trong khi hạ cánh về tàu không người lái vốn có nhiều ưu điểm hơn, trong các sứ mệnh đòi hỏi tên lửa phải đạt đến độ cao cũng như tốc độ lớn. Công ty sẽ cần phải nắm vững cả 2 kỹ thuật này nếu muốn phục hồi và tái sử dụng tên lửa một cách nhiều nhất có thể.
Mặc dù không mong chờ vào một cú hạ cánh thành công, song, những người hâm hộ Elon Musk và SpaceX có quyền đặt niềm tin vào thành công tiếp theo của hãng. Vệ tinh JCSAT-14 khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp sóng viễn thông cho Nhật Bản và một số khu vực ở Châu Á - Thái Bình Dương.