Cá nheo ăn thịt bồ câu đe dọa hệ sinh thái châu Âu

  •  
  • 6.673

Những con bồ câu lang thang, không để ý tới đàn cá nheo châu Âu di chuyển gần bờ sỏi. Đột nhiên một con cá phóng vọt lên bờ, ngoạm chim bồ câu.

Lần đầu tiên Frédéric Santoul chứng kiến thói quen phàm ăn của loài cá nước ngọt lớn nhất châu Âu là khi anh đứng trên một cây cầu thời Trung Cổ ở Albi, thị trấn phía nam nước Pháp.

"Tôi biết rằng cá voi sát thủ có thể tự mắc cạn để bắt hải cẩu, nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến điều tương tự ở cá nheo", Santoul, nhà sinh thái học cá tại Đại học Toulouse, chia sẻ. Santoul đã dành cả mùa hè để ghi lại hiện tượng.

Cá nheo châu Âu.
Cá nheo châu Âu. (Ảnh: Stephane Granzotto).

Giới nghiên cứu biết rất ít về cá nheo, nơi những cần thủ thả chúng xuống sông ở Tây Âu vào thập niên 1970. Loài vật này có thể dài tới 3m và nặng 272kg, là động vật bản xứ tại Đông Âu, nhưng đã mở rộng sang ít nhất 10 nước ở Tây Âu và Nam Âu. Năm 1794, một ngư dân người Đức thả vài nghìn con cá nheo xuống sông Ebro ở Tây Ban Nha. Hy vọng có cơ hội bắt được cá to, ngư dân ở nhiều nước khác cũng làm tương tự, tạo điều kiện cho loài vật này sinh sôi phát triển.

Trong môi trường bản xứ, nơi người dân thường săn bắt và nuôi cá nheo làm thức ăn, đây không phải là loài gây rắc rối. Tại đó, số lượng cá nheo tương đối ổn định trong nhiều thập kỷ. Rất ít bằng chứng cho thấy chúng săn bắt bừa bãi các loài cá bản xứ khác. Nhưng ở dòng sông mới, cá nheo châu Âu thường nhằm vào những loài cá nguy cấp và quan trọng về mặt thương mại như cá trích và cá hồi Đại Tây Dương.

Santoul lo ngại cá nheo châu Âu có thể xóa sổ nhiều loài cá bản xứ tại Tây Âu, làm thay đổi hệ sinh thái sông vốn đang chịu tác động từ các con đập, ô nhiễm nguồn nước và đánh bắt cá quá mức. Theo ông, ảnh hưởng tích tụ của những yếu tố trên có thể dẫn tới sự sụp đổ của quần thể cá trong 10 năm tới.

Giống như nhiều loài xâm hại, cá nheo châu Âu phát triển trong các dòng sông bị thay đổi bởi con người, nơi nhiệt độ nước cao và lượng oxy thấp có thể gây hại cho động vật bản xứ. Cá nheo phát triển rất nhanh, có tuổi thọ dài (lên tới 80 năm) và sinh sản dễ dàng, con cái có thể đẻ hàng trăm nghìn quả trứng một lúc. Nhưng kỹ năng săn mồi mới là lợi thế lớn nhất của chúng. Giống như mọi loài cá da trơn, cá nheo châu Âu có giác quan phát triển mạnh, đặc biệt trong việc phát hiện rung động do con mồi gây ra. Chúng cũng có khả năng thích nghi tuyệt vời với nguồn thức ăn mới. Santoul từng chứng kiến cá nheo săn hến châu Á, cũng là một loài xâm hại.

Cá nheo phụ thuộc nhiều vào nguồn cá di cư từ biển vào sông ngòi để đẻ trứng như cá hồi Đại Tây Dương, cá mút đá (loài cá nguy cấp ở châu Âu) và cá trích (hải sản có giá trị thương mại cao). Chúng cũng áp dụng nhiều chiến thuật săn mồi mới chưa từng thấy ở môi trường bản xứ như ngoạm bồ câu trên cạn.

Ở sông Garonne tại Pháp, cá nheo đôi khi nằm rình bên trong đường hầm để bẫy và giết cá hồi di cư qua nhà máy thủy điện. Trên cùng dòng sông, cá nheo cũng học được cách nhắm vào cá trích trên mặt nước vào ban đêm, khi con mồi của chúng đang mải mê tán tỉnh bạn tình, theo nghiên cứu công bố hồi tháng 11/2020. Phân tích thức ăn trong ruột của hơn 250 con cá nheo hé lộ cá trích chiếm hơn 80% chế độ ăn của chúng. Tất cả nghiên cứu đều rút ra cùng một kết luận. Cá nheo châu Âu đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các loài cá di cư.

Cập nhật: 18/01/2021 Theo VnExpress
  • 6.673