Các bác sĩ có thể "hồi sinh" bệnh nhân chết não, những cũng chỉ được 1 tuần

  •  
  • 2.899

Bệnh nhân chết não có thể được "hồi sinh" trong 1 tuần, nhờ vào kỹ thuật mới của các nhà khoa học. Bằng cách kích dòng điện một chiều xuyên qua hộp sọ, những người này sẽ được kéo ra khỏi trạng thái hôn mê, cử động được và giao tiếp với bác sĩ hoặc gia đình.

Trước đó, những bệnh nhân đều đã hôn mê trên 3 tháng, khả năng bình phục thấp đến nỗi có thể lựa chọn cái chết nhân đạo.

Điều trị với biện pháp kích thích điện hiện nay đã có thể giúp họ “trở lại” trong vòng 1 tuần. Thế nhưng ngay sau đó, tất cả các bệnh nhân lại chìm vào trạng thái y như cũ. Các nhà khoa học chưa dám đưa họ “trở lại” lâu hơn, vì lý do an toàn.

Bệnh nhân chết não có thể được "hồi sinh", nhưng chỉ trong 1 tuần.
Bệnh nhân chết não có thể được "hồi sinh", nhưng chỉ trong 1 tuần.

Làm sống dậy những bệnh nhân đã “chết”

Phương pháp được gọi là kích thích xuyên sọ bằng dòng điện một chiều (tDCS). Trong đó, các nhà khoa học đặt một số điện cực ngay phía bên ngoài hộp sọ, dùng dòng điện để tác động đến những vùng não phía bên trong đầu bệnh nhân.

Trước đây, phương pháp này đã được sử dụng để tăng cường chức năng não cho những bệnh nhân có tổn thương nghiêm trọng. Họ còn tỉnh táo nhưng đã mất khả năng giao tiếp vì bị liệt toàn thân.

Năm 2014, các nhà khoa học đã sử dụng tDCS để giúp khoảng 15 bệnh nhân này cử động tay hoặc sử dụng mắt để tương tác với mọi người. Tuy nhiên, hiệu quả kì diệu này chỉ được kéo dài trong 2 giờ trước khi tất cả các bệnh nhân chìm trở lại trạng thái vốn có của họ.

Nghiên cứu mới được công bố trên Brain Injury là lần đầu tiên tDCS thể hiện khả năng làm việc của nó với bệnh nhân hôn mê, thậm chí là chết não và đã ở trong tình trạng tương tự sống thực vật.

Được dẫn dắt bởi nhà vật lý trị liệu Aurore Thibaut tại Đại học Liège Vương Quốc Bỉ, thử nghiệm là sự tiếp nối nghiên cứu trước của nhóm vào năm 2014. Lần này, các nhà khoa học đã áp dụng tDCS cho 18 bệnh nhân hôn mê nặng.

Họ là những người gần như đã bị chết não, sau một sự cố chấn thương hộp sọ, đột quỵ hoặc thiếu cung cấp oxy tới não. Nhận thức về môi trường xung quanh của cả 18 bệnh nhân được đánh giá ở mức độ cực thấp. Tình trạng của họ đã kéo dài ít nhất 3 tháng và rất khó để bình phục.

Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể được áp dụng quyền chết nhân đạo. Thế nhưng, các nhà khoa học tại Đại học Liège nghĩ rằng kích thích điện có thể mang họ trở lại cuộc sống, ít nhất là trong một khoảng thời gian 7 ngày.

Họ đặt các điện cực 1 chiều phía trên đầu bệnh nhân, kích thích các vùng vỏ não trước trán bằng một vòng điện 2mA. Mỗi lần điều trị kéo dài 20 phút và có tất cả 5 đợt trong 5 ngày.

Kích thích xuyên sọ bằng dòng điện một chiều (tDCS) sẽ giúp các bệnh nhân "trở lại".
Kích thích xuyên sọ bằng dòng điện một chiều (tDCS) sẽ giúp các bệnh nhân "trở lại".

Kết quả đáng chú ý được ghi nhận ngay từ đợt điều trị đầu tiên. Hai trong số các bệnh nhân đã có dấu hiệu cử động được. Sau 1 tuần điều trị, 2 bệnh nhân đã có thể giao tiếp.

“Họ không thể nói, nhưng chúng tôi có thể đặt các câu hỏi, chẳng hạn như “Anh tên là David phải không?” Và họ trả lời đúng hoặc không bằng cách di chuyển một phần cơ thể, người thì là lưỡi, người thì là chân”, Thibaut cho biết. “Họ đã trả lời được tất cả những câu hỏi mà chúng tôi đặt ra”.

Trong số bệnh nhân còn lại, 9 người cũng đặt được những tiến bộ cho thấy tình trạng của họ đã được cải thiện đáng kể. Những nhận thức tỉnh táo xuất hiện trở lại, bao gồm việc đáp ứng với mệnh lệnh của bác sĩ, nhận diện đối tượng và thực hiện cử động.

Quá trình “sống lại” của những bệnh nhân này kéo dài 1 tuần sau khi đợt kích điện cuối cùng chấm dứt. Không ai trong nhóm bệnh nhân được sử dụng một điều trị mức độ thấp hơn để đối chiếu cho thấy dấu hiệu cải thiện.

Tại sao phương pháp này làm việc?

Vỏ não trước trán, trong quá khứ, đã được các nhà khoa học xác định là vùng có liên quan đến ý thức. Vùng này của não bộ cũng liên kết với nhiều trung tâm quan trọng khác, chẳng hạn như vùng dưới đồi, giúp truyền tín hiệu đến nhiều khu vực rộng lớn hơn trong não bộ.

Với một người có ý thức bình thường, những tín hiệu điện sẽ được truyền giữa các khu vực của não như những đợt sóng. Nhưng khi ai đó bị bất tỉnh, điều này là hoàn toàn không thể.

Bệnh nhân chết não trong trạng thái hôn mê, không thể cử động và giao tiếp, nhưng các tín hiệu nhận thức của họ vẫn còn và có thể được khuyếch đại. Điều này khác với bệnh nhân sống thực vật, khi họ có thể đáp ứng với kích thích, nhưng tín hiệu ý thức đã không còn.

Thibaut nói rằng kích thích điện sẽ giúp tăng cường hoạt động truyền tín hiệu ở bệnh nhân hôn mê trở lại, tạo ra những đợt sóng “có ý thức”. Nói một cách khác tDCS có tác dụng tăng cường giao tiếp giữa các khu vực khác nhau của não bộ.

tDCS có tác dụng tăng cường giao tiếp giữa các khu vực khác nhau của não bộ.
tDCS có tác dụng tăng cường giao tiếp giữa các khu vực khác nhau của não bộ.

Họ có thể “trở lại” nhiều hơn 7 ngày?

Kết quả thử nghiệm đã cho thấy 5 đợt điều trị kéo dài 20 phút có thể mang lại 7 ngày “sống” cho một bệnh nhân hôn mê. Ngưỡng điều trị này là khá lớn so với các phương pháp tương tự hiện nay. Các nhà khoa học chưa dám thử nghiệm những đợt điều trị dài hạn hơn.

John Whyte, giám đốc Viện nghiên cứu phục hồi chức năng Moss tại Pennsylania, Hoa Kỳ cho biết: “Đây là một phát hiện đáng khích lệ. Nghiên cứu cho thấy điều trị dài hơn dẫn đến sự cải thiện bền vững hơn trong ý thức của người bệnh”.

Mặc dù vậy, việc kéo dài thời gian điều trị và tăng cường độ dòng điện là một sự mạo hiểm lớn. “Chúng ta phải thực sự cẩn thận”, Thibaut nói. Hiện tại, cô và nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết liệu dòng điện khi đâm xuyên hộp sọ có tác động ra ngoài phạm vi của mục tiêu được nhắm hay không.

Nếu dòng điện bị lan ra ngoài, nó có thể làm thay đổi một số chức năng khác của não bộ, những thứ mà đúng ra không nên bị thay đổi. Nói một cách khác, nó có thể gây tổn thương cho một vùng não lành lặn.

Bởi vậy, liệu tDCS có thể mang bệnh nhân hôn mê tỉnh lại hoàn toàn, trong các đợt điều trị liên tục và dài hơn là chưa thể xác định. Đơn giản là các nhà khoa học chưa thể thực hiện các thử nghiệm mạo hiểm hơn nữa.

Cập nhật: 24/05/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.899