Các nhà khảo cổ tìm thấy trứng đà điểu hơn 4.000 năm trên sa mạc

  •  
  • 151

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra mảnh vỡ từ 8 quả trứng đà điểu cổ đại tại cồn cát Nitzana trên sa mạc Negev, Israel. 

Lauren Davis, Giám đốc khai quật của Cơ quan Cổ vật Israel (IAA), cho biết những quả trứng được đặt gần hố lửa trong một khu cắm trại mà người du mục sử dụng từ thời kỳ tiền sử. Chúng có niên đại cách đây từ 4.000 đến 7.500 năm.

Lauren Davis cầm quả trứng đà điểu tươi để mô phỏng cho những quả trứng cổ đại bị vỡ ở bên cạnh.
Lauren Davis cầm quả trứng đà điểu tươi để mô phỏng cho những quả trứng cổ đại bị vỡ ở bên cạnh. (Ảnh: AFP)

Việc tìm thấy trứng đà điểu ở gần nguồn lửa, cùng với đá lửa, công cụ bằng đá, những viên đá bị cháy và các mảnh gốm, gợi ý rằng chúng đã được nấu chín.

"Một trong những quả trứng được tìm thấy ngay trong hố lửa, củng cố suy đoán rằng người xưa đã dùng chúng làm thức ăn", Davis nhấn mạnh.

Trước đây, trứng đà điểu cũng được khai quật tại nhiều địa điểm khảo cổ từ nhiều thời kỳ, tiết lộ chúng được dùng làm đồ trang trí, đồ tang lễ và dụng cụ đựng nước. Điều này chứng tỏ chúng có giá trị như một loại vật liệu.

Cận cảnh những mảnh vỡ của trứng đà điểu trên sa mạc Negev.
Cận cảnh những mảnh vỡ của trứng đà điểu trên sa mạc Negev. (Ảnh: AFP)

IAA cho biết đà điểu hoang dã từng lang thang trên sa mạc Negev trước khi tuyệt chủng vào thế kỷ 19. Khám phá mới có thể cung cấp manh mối về cuộc sống bí ẩn của người du mục cổ đại trong khu vực, những người không để lại nhiều bằng chứng hữu hình được bảo tồn theo thời gian.

"Người du mục không xây dựng các công trình cố định tại Negev, nhưng những phát hiện cho phép chúng tôi cảm nhận được sự hiện diện của họ trên sa mạc", Davis nói thêm.

Dù không còn nguyên vẹn, các mảnh trứng vỡ vẫn được bảo quản tốt và sẽ được mang đi kiểm tra thêm để xác định mốc thời gian chính xác hơn cho địa điểm cũng như chức năng của nó.

Cập nhật: 14/01/2023 VnExpress
  • 151