Chuyện về Vestal Virgin: Những trinh nữ "quyền lực" nhất La Mã cổ đại

  •  
  • 2.623

La Mã cổ đại là xã hội gia trưởng nhưng cũng chính tại đây, xuất hiện nhóm phụ nữ được tôn kính như thần thánh: Trinh nữ Vestal.

Marcus Licinius Crassus (mất năm 53 TCN) tướng quân La Mã đầy quyền uy kiêm người đàn ông giàu có nhất lịch sử La Mã đã suýt nữa thì bị xử tử bởi "scandal" với Vestal Licinia, một trinh nữ Vestal.

Người phụ nữ này là ai, nắm giữ địa vị xã hội như thế nào mà lại có thể khiến người đàn ông "dưới một người, trên vạn người" tí nữa thì mất mạng, mời các bạn cùng tìm hiểu!

Vụ bê bối chấn động La Mã thời cổ đại

Chuyện kể rằng có một thời gian, Crassus liên tục xuất hiện tại lâu đài của Vestal Licinia. Ông lẽo đẽo đi theo Licinia khắp nơi, khiến ai nấy nghi ngờ, cuối cùng bị bắt và lôi ra trước tòa.

Thực sự thì Crassus không đeo theo tán tỉnh Licinia, mà chỉ nỗ lực "gạ" bà bán lâu đài cho mình với giá rẻ. Xem ra dù mang tiếng là người đàn ông giàu nhất (nghe đồn có đến cả 200 triệu đồng bạc sestertius) nhưng Crassus cũng chẳng hào phóng gì mấy.

Crassus - tướng quân La Mã đầy uy quyền suýt bị xử tử vì gạ một trinh nữ... bán nhà.
Crassus - tướng quân La Mã đầy uy quyền suýt bị xử tử vì gạ một trinh nữ... bán nhà.

Không rõ ông ra giá bao nhiêu, chỉ biết là Licinia từ chối. Có điều Crassus vẫn mê lâu đài của Licinia quá, nên cứ tiếp tục gặp bà để... kỳ kèo.

Rất may là trong phiên xét xử, Crassus thành công chứng minh được mục đích "trong sáng" của mình. Nhờ vậy mà cả tính mạng của ông lẫn Licinia đều được cứu.

Chăm sóc ngọn lửa đại diện cho vận mệnh của quốc gia

Trước thế kỷ thứ 4, người La Mã theo tín ngưỡng thờ Trinh nữ Vesta. Theo sử học thì tục này bắt đầu từ thời đại của Hoàng đế Num Pompilius (753 - 673 TCN). Đối với tôn giáo thờ Nữ thần Vesta thì việc duy trì ngọn lửa trong lò đặt tại đền thờ là nhiệm vụ thiêng liêng và quan trọng nhất.

Đền thờ Nữ thần Vestal có tên là Đền Vesta, nằm trong Công trường La Mã (quảng trường chữ nhật được bao quanh bởi các kiến trúc quan trọng tại trung tâm thành phố Roma). Cách nó không xa là nơi ở của các Trinh nữ Vestal - Atrium Vestae, tòa cung điện 3 tầng, 50 phòng, có giếng trời, sân rộng, hồ bơi đôi và cả khu rừng thiêng rộng lớn.

Trong đền thờ Vesta luôn phải có người túc trực.
Trong đền thờ Vesta luôn phải có người túc trực.

Người ta tin rằng, ngọn lửa này đại diện cho vận mệnh cũng như sự hưng thịnh của quốc gia. Nếu nó bất chợt phụt tắt, đó là điềm báo cho thấy đại họa sắp giáng xuống. Vì thế, trong đền thờ Vesta luôn phải có người túc trực.

Trinh nữ Vestal chính là những người giữ trọng trách duy trì và bảo vệ ngọn lửa ấy. Họ cắt cử ra 6 người ăn ngủ luôn trong đền thờ, liên tục canh chừng, giữ ngọn lửa cháy đều suốt cả năm.

Trinh nữ Vestal có nhiệm vụ duy trì ngọn lửa thiêng cháy suốt cả năm.
Trinh nữ Vestal có nhiệm vụ duy trì ngọn lửa thiêng cháy suốt cả năm.

Mỗi năm vào tháng 3, các trinh nữ lại được phép thắp lên một ngọn lửa mới. Kể từ lúc này cho đến tháng 3 năm sau, họ tuyệt đối không được để nó bị tắt.

Bên cạnh trông nom ngọn lửa, nhóm Trinh nữ Vestal còn phụ trách tổ chức và tham gia các lễ hội quan trọng của quốc gia, đặc biệt là lễ hội mùa màng. Họ không chỉ được dân chúng sùng kính, mà còn được hoàng cung coi trọng, ban tặng vô số đặc ân, đặc quyền.

Được tôn kính tuyệt đối

Ở nhà nước La Mã cổ đại, tôn giáo gắn liền với chính trị. Các trinh nữ Vestal vì thế được đối đãi bằng sự tôn kính vô bờ.

Không có bất cứ một ai, kể cả nhà vua, được phép xúc phạm đến một trinh nữ Vestal. Nếu có đàn ông nào dám lừa phỉnh, dụ dỗ các Vestal đánh mất sự trong trắng, họ sẽ phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp nhất: bị đánh đến chết bằng roi da.

Không có bất cứ một ai, kể cả nhà vua, được phép xúc phạm đến một trinh nữ Vestal.
Không có bất cứ một ai, kể cả nhà vua, được phép xúc phạm đến một trinh nữ Vestal.

Thực chất, trong thời đại của Trinh nữ Vestal cũng có một nhà vua cố tình phá bỏ tục lệ truyền thống là Elagabalus (mất năm 222). Vị hoàng đế này kiên quyết cưới bằng được trinh nữ Vestal tên Aquilia Severa, còn lớn tiếng tuyên bố trước toàn thể quần thần rằng sẽ sớm sinh ra một "đứa con thần thánh".

Với vương quyền trong tay, Elagabalus dễ dàng chiếm được Vestal mà mình muốn. Nhưng chính sự vi phạm luật lệ trắng trợn này đã khởi đầu cho cái chết khủng khiếp nhất của nhà vua trẻ. Vào ngày 11/3/222, trong khi đang cùng mẫu hậu đi trên đường, ông bị cấm vệ quân xông vào giết. Họ chặt thủ cấp của Elagabalus, lột trần cơ thể rồi kéo lê khắp nơi, cuối cùng đem ném xuống sông.

Ngược lại, nếu tử tội trên đường đến nơi tử hình mà vô tình gặp một Vestal, họ sẽ được phóng thích luôn.

Mỗi Trinh nữ Vestal đều có hộ vệ kiêm hầu cận là Lictor. Khi ở nơi công cộng, họ được Lictor bảo vệ tuyệt đối và khi cần di chuyển, họ được Lictor đánh xe ngựa chở đi. Ngoài thu nhập hàng năm, họ còn có lương hưu và quyền ân xá tù nhân, quyền bảo hộ cho các nhân vật chính trị lớn như Marc Antony (83 – 30 trước Công nguyên), Julius Caesar (100 – 44 trước Công nguyên)…

Đặc biệt, các Trinh nữ Vestal được miễn thuế, miễn vạ lây (khi có người nhà phạm trọng tội), được lập di chúc, không cần tuyên thệ và có quyền tự biện minh trong trường hợp bị tố tội. Trinh nữ Tuccia - người được xem như đại diện của các Trinh nữ Vestal từng bị kết tội vì ngọn lửa bà đang phụ trách giữ đột nhiên bị tắt. Trước tòa, bà kịch liệt phản bác và đòi được chứng minh sự vô tội.

Tòa án đã yêu cầu Trinh nữ Vestal Tuccia múc nước sông Tiber bằng rây, bê đến đền thờ và nếu bà có thể khiến cho không một hạt nước nào lọt ra khỏi rây thì được công nhận vô tội. Kết quả, Tuccia đã thành công vượt qua thử thách. Bà không chỉ trở thành huyền thoại sống trong La Mã đương thời mà còn bất tử trong nghệ thuật sau này.

Hoàng đế Elagabalus, người phá lệ, tự ý cưới một Vestal và phải trả giá đắt
Hoàng đế Elagabalus, người phá lệ, tự ý cưới một Vestal và phải trả giá đắt.

Nhưng khi Vestal phạm luật cũng "lãnh đủ"

Ngoại trừ sự tôn kính tuyệt đối, các Vestal còn hoàn toàn thoát khỏi sự quản thúc của gia tộc, được tặng dinh thự, tài sản, có quyền lập di chúc và tự biện hộ trước tòa (nếu bị nghi ngờ) mà không cần phải tuyên thệ.

Song quyền lợi lớn cũng đi kèm rủi ro cao. Vì tôn thờ Nữ thần Vesta nên La Mã cổ đại cực kỳ quan trọng hóa vấn đề trinh tiết. Họ tin tưởng sự trinh trắng của các Vestal chính là "nhiêu liệu" giữ "lửa sinh mệnh quốc gia" luôn cháy tỏ. Vì thế, mỗi khi ngọn lửa này bị tắt, các Vestal sẽ bị nghi ngờ là đã ô uế đầu tiên.

Vì tôn thờ Nữ thần Vesta nên La Mã cổ đại cực kỳ quan trọng hóa vấn đề trinh tiết.
Vì tôn thờ Nữ thần Vesta nên La Mã cổ đại cực kỳ quan trọng hóa vấn đề trinh tiết.

Nếu không chứng minh được sự trong sạch của mình, các Vestal sẽ phải chịu hình phạt chôn sống. Quy định của La Mã cổ đại không cho phép trinh nữ giữ lửa bị đánh đập hay đổ máu. Thế nên họ sẽ bị nhốt trong 4 bức tường chật hẹp và bỏ đói đến chết.

Hình phạt dành cho trinh nữ mắc lỗi là bị bỏ đói đến chết.
Hình phạt dành cho trinh nữ mắc lỗi là bị bỏ đói đến chết.

Chưa hết, nếu kinh thành hoặc đất nước sắp bị chiến tranh hoặc rơi vào loạn lạc, Trinh nữ Vestal cũng là người đầu tiên bị đổ tội, bất kể tình trạng ngọn lửa họ đang giữ. Năm 228 trước Công nguyên, khi phải đối mặt với cuộc xâm lược của người Gallic, năm 216 trước Công nguyên, khi bị Tướng Hannibal hành quân ngang qua…, La Mã đều đổ lỗi cho Trinh nữ Vestal và chôn sống một số người.

Được "tuyển" từ thuở thiếu thời và phải "giữ mình" suốt 30 năm

Vestal là trinh nữ, nhưng không phải trinh nữ nào cũng có thể trở thành Vestal. Thực chất, việc tuyển lựa Vestal được tiến hành hết sức khắt khe, từ khi các bé gái mới 6-10 tuổi và phải là con nhà danh giá, xinh đẹp, khỏe mạnh, không bị khuyết tật.

Sau khi chính thức được chọn, các bé gái mới phải lập lời thề, nguyện toàn tâm toàn ý phục vụ Nữ thần Vesta trong 30 năm kế tiếp. Xong xuôi, tất cả đều được đưa tới Atrium Vestae, nhà của các trinh nữ Vestal, bắt đầu "khóa huấn luyện" để trở thành nữ tư tế.

Trong vòng 10 năm đầu, những cô bé được dạy dỗ giáo lý và tập luyện công việc giữ lửa. Mười năm tiếp theo, khi đã trở thành những thiếu nữ, họ thay chân thế hệ Vestal trước, đảm trách công việc chăm nom ngọn lửa trong đền thờ. Mười năm còn lại thì quay về phụ trách giáo dục lớp Vestal "trẻ con".

Nếu không phạm phải lỗi lầm nào trong cả 30 năm phụng sự này, một Vestal sẽ được tận hưởng cuộc sống "về hưu" cực kỳ giàu có. Ngoài nhà cao cửa rộng ra, họ vẫn được tôn kính như ngày nào.

Cập nhật: 04/11/2024 Theo helino/GDTĐ
  • 2.623