Đười ươi phát ra âm thanh tương tự beatbox của con người

  •  
  • 113

Một nghiên cứu mới cho thấy đười ươi có thể tạo ra hai âm thanh riêng biệt cùng lúc, giống như tiếng chim biết hót hoặc người chơi beatbox.

Các nhà nghiên cứu của ĐH Warwick (Anh) cho biết những phát hiện này cung cấp manh mối xung quanh sự tiến hóa lời nói của con người, cũng như bộ môn nghệ thuật beatbox, theo Independent.

Theo các phát hiện, đười ươi đực tạo ra những tiếng động, gọi là "chomps" - nhai rào rạo, cùng với sự càu nhàu. Trong khi con cái tạo ra âm thanh có âm vực cao, chẳng hạn tiếng rít.

Đười ươi cũng có khả năng tạo ra hai loại âm thanh cùng lúc.
Đười ươi cũng có khả năng tạo ra hai loại âm thanh cùng lúc. (Ảnh: Pexels).

“Con người sử dụng môi, lưỡi và hàm để tạo ra âm thanh vô thanh của các phụ âm, đồng thời kích hoạt các nếp gấp thanh âm trong thanh quản bằng không khí để tạo ra âm thanh mở", Adriano Lameira, phó giáo sư Tâm lý học tại ĐH Warwick, giải thích cách con người beatbox.

Ông Lameira cho rằng, đười ươi cũng có khả năng tạo ra hai loại âm thanh cùng lúc.

Ví dụ, đười ươi đực ở đảo Borneo tạo ra những tiếng động, gọi là tiếng nhai kết hợp với sự càu nhàu trong các tình huống chiến đấu. Đười ươi cái ở đảo Sumatra phát ra tiếng kêu rít, đồng thời với tiếng gọi để cảnh báo mối đe dọa săn mồi có thể xảy ra.

“Việc hai quần thể đười ươi riêng biệt đồng thời kêu hai tiếng cho thấy đây là hiện tượng sinh học", ông Lameira nói.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát hai quần thể đười ươi phát âm ở đảo Borneo và Sumatra trong 3.800 giờ. Họ phát hiện các loài linh trưởng trong cả hai nhóm đều sử dụng một hiện tượng phát âm.

“Con người hiếm khi tạo ra âm vô thanh và hữu thanh đồng thời, ngoại trừ beatbox. Đây là một màn trình diễn giọng hát điêu luyện, bắt chước nhịp điệu phức tạp của hiphop", đồng tác giả và nhà nghiên cứu độc lập Madeleine Hardus cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, khả năng điều khiển và phối hợp giọng nói của loài vượn lớn hoang dã đã bị đánh giá thấp so với sự tập trung vào khả năng phát âm của loài chim.

Theo tiến sĩ Hardus, việc tạo ra hai âm thanh, chính xác là cách chim tạo ra tiếng hót giống với ngôn ngữ nói. Tuy nhiên, giải phẫu của loài chim không giống với loài người nên rất khó để tạo mối liên hệ giữa tiếng chim hót và ngôn ngữ nói của con người.

“Có thể ngôn ngữ sơ khai của con người giống thứ gì đó nghe giống beatbox hơn, trước khi quá trình ngôn ngữ phát triển thành cấu trúc phụ âm, nguyên âm mà chúng ta biết ngày nay", tiến sĩ Hardus nói.

Cập nhật: 15/07/2023 Zing
  • 113