Giải Nobel về y học 2005: Chuyện cổ tích hiện đại

  •  
  • 917

Một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện làng nhàng bậc trung, vô tình có một phát hiện nhưng bị giới chuyên môn coi là vớ vẩn. Mặc dầu vậy ông vẫn "bướng bỉnh" tự mình mày mò nghiên cứu, để cuối cùng được trao giải Nobel.

Trong thời đại các cuộc nghiên cứu về y học thường được tiến hành tại các trung tâm khoa học lớn với những thiết bị công nghệ cao trị giá hàng triệu USD, thì trường hợp thành công của Robin Waren (68 tuổi) quả là cực hiếm.

Bác sĩ người Australia này, cùng đồng nghiệp là Barry J. Marshall (54 tuổi), đã đoạt giải Nobel y học năm 2005 nhờ đã phát hiện ra Helicobacter Pylori, một loại vi khuẩn gây các bệnh viêm loét hệ tiêu hóa và dạ dày.

Trước khi khám phá ra điều này, người ta vẫn tin rằng viêm loét dạ dày là do stress và lối sống gây ra. Vì thế căn bệnh đau đớn và kéo dài đó vẫn được điều trị bằng những liệu pháp phức tạp và những loại thuốc đắt tiền, nhưng vẫn không thể chữa khỏi hẳn. Trong một số trường hợp, nó dẫn tới chảy máu và làm thủng niêm mạc dạ dày.

Ngày nay, nhờ Robin Waren, nhân loại được biết rằng 90% trường hợp viêm loét tá tràng cũng như 80% viêm loét dạ dày là do vi khuẩn helicobacter pylori gây ra, và như vậy có thể điều trị một cách dứt điểm bằng những loại thuốc kháng sinh rẻ tiền.

Vui mừng vì vợ… bị loét dạ dày

Bà Win, người có cùng ông Waren 6 mặt con, quả thực đã đóng một vai trò quyết định trong thành công của chồng mình, vì bà là bệnh nhân loét dạ dày đầu tiên được ông điều trị khỏi bệnh.

Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Win cho biết ông Waren thực sự vô cùng vui mừng khi biết bà bị loét dạ dày. Cho đến nay bà vẫn còn ấm ức: "Lẽ ra ông ấy cũng phải biết tỏ ra môt chút thương hại đối với tôi chứ". Nhưng Waren vui mừng chỉ vì ông có một bệnh nhân để thí nghiệm mà ông tin rằng mình có thể dễ dàng điều trị.

Robin Waren sinh ngày 11-6-1937 ở Adelaide, miền Nam Australia. Sau khi tốt nghiệp đại học y khoa tại thành phố quê hương, ông chuyển tới làm việc tại Royal Perth Hospital, một bệnh viện hạng trung bình ở thành phố Perth, miền Tây Australia. Suốt 11 năm làm việc ở đó, ông không gây được một sự chú ý nào, trừ việc ông có 4 năm liên tục đoạt chức vô địch… về bắn súng trong một CLB các xạ thủ.

Thế rồi một lần ông tình cờ phát hiện thấy trong mẫu xét nghiệm niêm mạc của một bệnh nhân bị loét dạ dày có rất nhiều vi khuẩn hình vòng. "Chắc đó là một sự nhầm lẫn", có lẽ những bác sĩ khác tự nhủ như vậy và quên ngay mẫu xét nghiệm đó.

Bị chế giễu và cười nhạo

Bởi những điều mà Waren nhận thấy hoàn toàn không đúng với những gì mà ông đã học. Cho đến đầu thập kỷ 1980, lý thuyết thống lĩnh vẫn là: Vi khuẩn không thể sinh sôi trong dạ dày. Ai nói ngược lại, cũng giống như người ta nói trái đất là hình vuông.

Cũng vì thế, Waren đã bị các nhà nghiên cứu y học thời ấy chế giễu và cười nhạo, khi ông quả quyết bệnh loét dạ dày là do vi khuẩn gây ra. Bất chấp tất cả, ông vẫn thầm lặng nghiên cứu. Từ năm 1982, ông có thêm một trợ thủ đắc lực, đó là anh chàng nghiên cứu sinh trẻ Bary Marshall, kém ông 14 tuổi.

Không có những trang thiết bị hiện đại, đôi khi cặp bác sĩ người Australia này tiến hành cuộc nghiên cứu của mình theo kiểu rất "thủ công": Chẳng hạn Marshall dùng bản thân mình làm thí nghiệm, bằng cách tự uống những hỗn hợp các dung dịch dạ dày chứa hàng triệu vi khuẩn vào bụng, để chứng minh rằng mình có thể bị loét dạ dày giống như mắc các bệnh tryền nhiễm khác.

Cuối cùng qua các thí nghiệm trên những người tình nguyện, điều trị kháng sinh và nghiên cứu bệnh học, họ đã xác định được mối liên hệ giữa vi khuẩn helicobacter pylori với các bệnh tiêu hóa và dạ dày, và từ đó họ trở nên nổi tiếng với khá nhiều giải thưởng được trao ở Australia.

Giờ đây, Waren và Marshallcòn đoạt giải Nobel. Nhưng xem ra họ vẫn rất "bình dân". Gaeran Lindvall, thư ký của hội đồng trao giải Nobel Y học, cho biết, hôm thứ ba vừa rồi khi ông từ Stockholm (Thụy Điển) tìm cách liên lạc qua điện thoại di động với cặp bác sĩ người Australia nói trên để thông báo họ đã đoạt giải, thì được biết hai vị này đang ngồi "nhậu"… tại một quán bia ở Perth!

Theo Tuổi Trẻ Online
  • 917