"Hiệu ứng sợi bấc" trong hiện tượng người tự cháy thành tro

Cơ thể con người có thể tự dưng bốc cháy hay không?
  •  
  • 3.810

Các nhà khoa học nhiều thế kỷ qua vẫn đau đầu tìm lời giải chính xác cho hiện tượng người tự bốc cháy.

Thế giới từng ghi nhận nhiều trường hợp người tự bốc cháy (SHC) một cách bí ẩn, khi nhiều người bình thường trong lúc đang ngủ bỗng nhiên bắt lửa và cháy thành tro. Đồ đạc xung quanh nạn nhân, trừ quần áo hay ghế ngồi, thường vẫn nguyên vẹn, khiến các chuyên gia không thể tìm ra nguyên nhân gây cháy rõ ràng.

Hiện tượng người tự cháy thành tro bí ẩn.
Hiện tượng người tự cháy thành tro bí ẩn. (Ảnh minh họa: Grunge).

Những trường hợp tự bốc cháy trên thế giới

Hiệp sĩ người Italy Polonus Vorstius là trường hợp tự bốc cháy đầu tiên, theo ghi chép của chuyên gia y học Thomas Bartholin. Vào một buổi tối năm 1470, trong lúc nghỉ ngơi và uống vài ly rượu, Vorstius đột nhiên nôn ra lửa, bốc cháy và bị thiêu chết ngay trước mặt cha mẹ.

Thomas Bartholin ghi lại sự kiện này trong tác phẩm "Historiarum Anatomicarum Rariorum" năm 1641, gần hai thế kỷ sau khi vụ việc xảy ra. Ông cho biết, mình đã nghe con cháu của Vorstius kể lại. Nhưng nhiều người nghi ngờ tính chính xác của câu chuyện do khoảng cách thời gian quá xa.

Một trong số những trường hợp SHC nổi tiếng nhất xảy ra năm 1951, khi góa phụ Mary Reeser bị thiêu chết một cách bí ẩn trong chính căn hộ của mình ở St. Petersburg, Florida, Mỹ. Reeser là một phụ nữ to béo, nặng khoảng 77kg, theoSt. Petersburg Times.

Trường hợp hiệp sĩ Polonus Vorstius tự bốc cháy vẫn còn nhiều nghi vấn.
Trường hợp hiệp sĩ Polonus Vorstius tự bốc cháy vẫn còn nhiều nghi vấn. (Ảnh: Grunge).

Cơ thể cùng chiếc ghế bành bà ngồi đều cháy rụi, chỉ còn lại bàn chân. Trần nhà và phần tường trên cao phủ kín muội đen, nhưng đồ nội thất và phần tường bên dưới hoàn toàn không ảnh hưởng gì. Thám tử Cass Burgess, người điều tra vụ án, khẳng định không có dấu hiệu của những chất gây cháy thường thấy như ête, dầu hỏa hay xăng.

Năm 2009, phóng viên Jerry Blizin, người đưa tin về vụ án năm 1951, lật lại sự việc và bổ sung thêm những chi tiết mới. Theo đó, FBI kết luận lượng mỡ trong cơ thể Reeser chính là nhiên liệu cho ngọn lửa bùng phát. Vào buổi tối định mệnh, Reeser đã nói với con trai rằng mình bỏ bữa tối để uống hai viên thuốc ngủ. Lần cuối con trai nhìn thấy Reeser là khi bà ngồi trên ghế bành và hút thuốc.

Một điều khó hiểu khiến các chuyên gia vô cùng đau đầu trong những trường hợp SHC là để thiêu hủy người cần nhiệt độ rất cao, từ 760 đến 1000 độ C, vượt xa mức nhiệt mà một que diêm, ngọn nến hay điếu thuốc có thể tạo ra.

Các nghiên cứu do tạp chí Y học Anh và tạp chí Pháp y Lâm sàng thực hiện cho thấy những trường hợp nghi SHC đều khiến cơ thể nạn nhân cháy thành tro, chỉ có bàn tay và bàn chân đôi khi còn giữ được hình dạng.

Kỳ lạ hơn, đồ đạc xung quanh nạn nhân thường nguyên vẹn dù làm từ các vật liệu dễ cháy. Một vụ cháy dữ dội với nhiệt độ cao như vậy nhưng lại không khiến đồ đạc xung quanh bắt lửa là điều hết sức khó hiểu.

Ngoài ra, các trường hợp SHC còn có một vài điểm chung nữa. Nạn nhân thường khá lớn tuổi, chủ yếu là phụ nữ bị béo phì và nghiện rượu. Tro của họ thường lẫn mỡ và bốc mùi rất khó chịu. Phần lớn các trường hợp này đều không có nhân chứng trực tiếp nhìn thấy quá trình nạn nhân tự bốc cháy.

Cơ thể tự bốc cháy là gì?

Bỏng do tự phát là khi một người nào đó bị bỏng một cách đáng kể, đặc biệt ở thân và bụng, với ít hoặc không có tổn thương ở tứ chi cũng như môi trường xung quanh và không có nguyên nhân rõ ràng.

Đến hiện tại, có khoảng 200 trường hợp được ghi nhận đã gặp phải hiện tượng này. Với bản chất của hiện tượng, có một số lý thuyết để giải thích nó.

Tuy nhiên, về cơ bản trước khi đi sâu vào phân tích chúng ta cần nhớ rằng 2 thành phần cơ bản của ngọn lửa là nguồn đánh lửa (bộ kích hoạt tạo ra ngọn lửa) và nguồn nhiên liệu.

Nguyên nhân của hiện tượng tự bốc cháy là gì?

Trường hợp đầu tiên được ghi nhận tự bốc cháy xảy ra vào năm 1760. Kể từ đó, hầu hết nạn nhân của hiện tượng này được ghi nhận là phụ nữ thừa cân và có xu hướng uống rượu. Do đó, việc tự bốc cháy được nói đùa là một hành động siêu nhiên, mang tính trừng phạt.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ bỏ qua lời lý giải mang tính bông đùa kể trên và tập trung vào lý luận khoa học. Một số nhà khoa học cho rằng hiện tượng con người tự bốc cháy xảy ra do sự di chuyển của một số chất lỏng quan trọng của cơ thể. Một lý do khác được đề xuất là do sự hiện diện của các hợp chất dễ cháy. Cơ thể chúng ta tạo ra một số hợp chất có thể tự bốc cháy. Một số nhà nghiên cứu cho rằng các khí như mê-tan, thường được tạo ra trong cơ thể đôi khi có thể tham gia vào một số phản ứng nội bộ 'quái đản' khiến chúng tự bốc cháy. Tuy nhiên, không có phản ứng nào như vậy được phát hiện hoặc mô tả.

Những người chỉ trích lý thuyết này cho rằng việc tự bốc cháy không bao giờ xảy ra với một số loài động vật thậm chí tạo ra lượng khí dễ cháy cao hơn con người, chẳng hạn như bò.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng cơ thể con người không thể tự bốc cháy mà không có tác nhân bên ngoài, cho dù nhỏ đến đâu. Bản thân bộ kích hoạt có thể bị cháy luôn trong ngọn lửa (như que diêm chẳng hạn), do đó dẫn đến ảo giác cháy tự phát.

Một giả thuyết khác là các nạn nhân của quá trình đốt người tự phát hầu hết được tìm thấy gần ống khói hoặc lò sưởi và đây có thể là một nguyên nhân. Một số người cũng tin rằng việc uống quá nhiều rượu có thể khiến rượu ngấm vào quần áo một người, điều này góp phần gây ra thứ gọi là "wick effect" (hiệu ứng sợi bấc).

"Hiệu ứng sợi bấc"

"Hiệu ứng sợi bấc" là một cách giải thích hợp lý cho hiện tượng người tự bốc cháy
"Hiệu ứng sợi bấc" là một cách giải thích hợp lý cho hiện tượng người tự bốc cháy. (Ảnh: Grunge).

Một cách giải thích được giới chuyên môn chấp nhận rộng rãi và phù hợp với nhiều trường hợp SHC là "hiệu ứng sợi bấc". Theo đó, cơ thể người đóng vai trò tương tự thân nến, trong khi quần áo giống như sợi bấc.

Khi quần áo bén lửa do tàn thuốc hoặc bụi than từ lò sưởi, lửa sẽ xuyên qua da và đốt cháy lớp mỡ bên dưới. Mỡ ngấm vào quần áo và trở thành nguồn cấp nhiên liệu liên tục cho ngọn lửa cháy dữ dội hơn, tạo ra sức nóng khủng khiếp.

Trong các thí nghiệm với thịt lợn, ngọn lửa cháy kiểu này có xu hướng bốc thẳng lên trên với tốc độ khá chậm nên đồ đạc xung quanh hầu như còn nguyên. Điều này cũng giải thích tại sao phần tro lại nhờn bết, đó là do mỡ bị thiêu chảy.

"Hiệu ứng sợi bấc" cũng phù hợp với hiện tượng bàn tay và bàn chân, những bộ phận hầu như không có mỡ, không bị thiêu rụi. Nó cũng giải thích tại sao SHC thường xảy ra ở những người béo phì và không thể xác định được nguồn lửa. Với nhiệt độ khủng khiếp như vậy, những vật gây cháy đã bị thiêu hủy cùng với cơ thể nạn nhân.

Các cách lý giải khác

"hiệu ứng sợi bấc" nghe rất hợp lý nhưng lại không thể giải thích hết tất cả các trường hợp SHC. Do đó, người ta đã đưa ra nhiều giả thuyết khác về nguyên nhân gây ra vụ cháy.

Nhà nghiên cứu Brian J. Ford cho rằng SHC bắt nguồn từ ketosis, trạng thái cơ thể thiếu năng lượng và bắt đầu đốt mỡ dự trữ, khiến lượng axeton trong cơ thể tăng cao. Axeton là hợp chất dễ cháy. Do đó, trạng thái ketosis vốn phổ biến ở người nghiện rượu và người ăn kiêng theo chế độ low carb, khiến cơ thể dễ bắt lửa hơn.

Nhiều nhà khoa học cố gắng tìm cách lý giải hiện tượng người tự bốc cháy.
Nhiều nhà khoa học cố gắng tìm cách lý giải hiện tượng người tự bốc cháy. (Ảnh: Grunge).

Thậm chí, nhiều người còn đưa ra những giả thuyết nghe có vẻ phi lý. Một nhà khoa học cho rằng sét hòn, một hiện tượng khoa học kỳ lạ chưa có giải thích rõ ràng, gây ra hiện tượng người tự cháy.

Tác giả cuốn sách "Ablaze!", Larry E. Arnold đưa ra giả thuyết rằng các hạt hạ nguyên tử trong cơ thể người gọi là "pyrotrons", khi bị kích thích bởi sự căng thẳng thì sẽ bốc cháy. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng giả thuyết này là vô căn cứ.

Có nhiều trường hợp SHC liên quan tới rượu đến nỗi, vào thế kỷ 18 và 19, các bác sĩ và nhà khoa học từng coi rượu là một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tự bốc cháy. Theo đó, rượu sẽ biến đổi thành khí gây cháy bên trong cơ thể.

Năm 1799, một bác sĩ còn liệt kê các loại rượu có khả năng gây ra SHC cao nhất, đứng đầu là gin, sau đó đến brandy, whisky và rum. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác thực chứng minh cho thấy giả thuyết này.

Năm 2010, Michael Faherty, một người đàn ông 76 tuổi, chết tại nhà ở West Galway, Ireland, theo BBC. Các báo cáo cho thấy, cơ thể nạn nhân hoàn toàn cháy rụi, nền nhà và trần nhà ngay tại đó cũng bị ảnh hưởng, phần còn lại của ngôi nhà không vấn đề gì. Kết quả điều tra khẳng định, khi đó Faherty đang bật lò sưởi, nhưng đây lại không phải nguyên nhân gây cháy.

Bác sĩ Ciaran McLoughlin, người tham gia khám nghiệm pháp y, tỏ ra vô cùng bối rối về nguyên nhân cái chết. Ông tham khảo nhiều tài liệu y học, nói chuyện với các chuyên gia và tiến hành một số nghiên cứu nhưng vẫn không thể tìm ra câu trả lời. Cuối cùng ông kết luận, đây là một trường hợp người tự bốc cháy, không có giải thích rõ ràng.

Cập nhật: 14/05/2021 Theo VnExpress/VnReview
  • 3.810