Hổ tìm thấy cả thiên đường lẫn địa ngục ở Ấn Độ

  •  
  • 2.716

Gần một nửa số lượng hổ trên thế giới sống tại Ấn Độ, song đây cũng là nước mà hoạt động buôn bán các bộ phận của loài mèo lớn diễn ra mạnh nhất châu Á.


Ảnh: wallpaperbase.com.

Giới chuyên gia bảo tồn nhận định, bất chấp những thành quả tích cực, Ấn Độ vẫn gặp vô số thách thức trong nỗ lực đối phó với nạn săn bắt hổ. Những người dân nghèo tại nước này sẵn sàng giết và bán hổ với giá chỉ khoảng 100 USD mỗi con. Trong khi đó những nhân viên bảo vệ hổ chỉ được hưởng mức lương rẻ mạt và không được trang bị những thiết bị hiện đại, AFP cho biết.

Săn trộm là nguy cơ lớn nhất đối với hổ. Nguy cơ thứ hai là tình trạng hủy diệt môi trường sống của chúng”, Satya Prakash Yadav, một quan chức thuộc Bộ Môi trường Ấn Độ và tham gia hội nghị tại Nga, phát biểu với AFP.

Thế giới chỉ còn khoảng 3.200 con hổ hoang dã và hơn 1.400 con trong số đó sống tại Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ cũng là nơi chứng kiến tới 54% số vụ săn bắt và buôn bán hổ. Một báo cáo mới đây của mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động vật, thực vật hoang dã TRAFFIC cho thấy, hơn 1.000 con hổ bị giết tại châu Á trong 10 năm qua.

“Người dân sống xung quanh các khu bảo tồn hổ luôn ở trong tình trạng nghèo túng. Nếu ai đó cho họ một khoản tiền lớn để mua hổ thì họ sẽ bắt hoặc giết chúng. Những kẻ săn trộm chỉ nhận 100 USD, song giá của mọi bộ phận trên cơ thể hổ có thể được bán với giá gấp 100 hoặc 200 lần so với con số đó”, bà Sejal Worah, giám đốc chi nhánh của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Ấn Độ, phát biểu.

Worah nói phần lớn hoạt động săn bắt hổ tiếp tục diễn biến phức tạp tại Ấn Độ bởi nhu cầu đối với các bộ phận của hổ tại Thái Lan, nơi số lượng hổ thấp hơn nhiều so với Ấn Độ.

Vivek Menon, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Quỹ Bảo vệ động vật quốc tế (IFAW) cho rằng Ấn Độ đã ban hành nhiều luật để bảo vệ hổ, song việc thực thi luật lại khá lỏng lẻo.

“Nếu một cá nhân giết chết hổ, người đó sẽ bị giam 7 năm tù, nhưng không bị phạt tiền. Ấn Độ ban hành nhiều luật chặt chẽ, nhưng vấn đề là luật lại được thực thi trên một đất nước quá rộng. Trong nhiều năm qua, chẳng có ai bị giam. Trước đó các quan tòa chưa bao giờ kết tội kẻ săn trộm nào”, Menon nói.

Chính phủ Ấn Độ thành lập chương trình bảo vệ hổ vào năm 2007 và chi nhiều triệu USD dành cho các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu hoạt động săn trộm hổ.

Một trong những giải pháp của chính phủ là thuê quân nhân nghỉ hưu để làm việc trong những khu bảo tồn hổ. Nhưng Worah nói những nhân viên bảo vệ phải làm việc trong những điều kiện khó khăn. Một giải pháp khác là đưa người dân ra khỏi các khu bảo tồn hổ. Ấn Độ dự định thành lập các khu bảo tồn hổ không có cơ sở hạ tầng, đường xá và người dân. Nhưng kế hoạch này đang gây tranh cãi.

Nhiều tổ chức bảo vệ động vật cho rằng số lượng hổ ở Ấn Độ giảm từ 5.000 con xuống còn hơn 1.400 con trong 5 năm qua, mặc dù tổng diện tích các khu bảo tồn hổ tăng thêm 32 nghìn km2.

Theo Vnexpress
  • 2.716