Loài cá "hóa thạch sống" mang thai suốt 5 năm

Bất ngờ tìm thấy loài cá cổ đại có từ trước thời khủng long: Thọ tới 100 tuổi!
  •  
  • 814

Loài cá cổ đại Coelacanth “sống chậm” với tuổi thọ lên tới một thế kỷ và thời gian mang thai 5 năm, theo kết quả một nghiên cứu mới.

Coelacanth, loài cá tồn tại từ thời khủng long, trưởng thành với tốc độ rất chậm, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp được đăng ngày 17/6 trong tạp chí Current Biology, AP đưa tin ngày 18/6.

Theo nghiên cứu, cá Coelacanth cái không đạt tuổi trưởng thành cho đến cuối những năm 50 tuổi, trong khi con đực đến tuổi sinh sản trong khoảng tuổi 40-69.

Được gọi là "hóa thạch sống", cá Coelacanth đã tồn tại được 400 triệu năm. Loài cá này bị cho là tuyệt chủng cho tới khi được phát hiện vào năm 1938 ngoài khơi Nam Phi. Sự kiện này đã làm cộng đồng khoa học thời bấy giờ cực kì kinh ngạc.

Người ta cho biết, lý do mà các ngư dân "vô tình" phát hiện ra loài vật này là bởi họ đang sử dụng lưới Gillnet đặc biệt, nhằm mục đích bắt được nhiều cá mập hơn.

Loại lưới này đã được nâng cấp và tích hợp công nghệ tiên tiến, cho phép tiếp cận những khu vực nước rất sâu, ở độ sâu từ khoảng 328 đến 492 feet (tương đương với khoảng 150 mét) dưới mặt biển. Đáng chú ý, đây cũng chính là môi trường sống ưa chuộng của loài cá Coelacanth.

Coelacanth ở trong tình trạng nguy cấp đến mức các nhà khoa học chỉ có thể nghiên cứu mẫu vật chết.

Cá Coelacanth
Cá Coelacanth được cho là đã tuyệt chủng từ lâu nhưng bất ngờ được phát hiện vào năm 1938. (Ảnh: AP).

Trong quá khứ, các nhà khoa học tính tuổi cá bằng cách đếm những vạch lớn trên một miếng vảy của cá Coelacanth. Bằng cách này, tuổi thọ của cá Coelacanth trước đó được ước tính là khoảng 20 năm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Pháp phát hiện phương pháp này bỏ qua những vạch nhỏ hơn chỉ có thể được nhìn thấy bằng ánh sáng phân cực - kỹ thuật xác định tuổi cá thương mại.

Bruno Ernande, đồng tác giả nghiên cứu tại viện nghiên cứu biển của Pháp, cho biết ánh sáng phân cực hé lộ mỗi vạch lớn sẽ đi kèm 5 vạch nhỏ. Từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận mỗi vạch nhỏ sẽ tương ứng với một tuổi của cá Coelacanth. Điều này cho thấy mẫu vật lớn tuổi nhất mà họ có ở vào tuổi 84.

Bằng kỹ thuật tương tự, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu 2 bào thai của cá Coelacanth, từ đó ước tính mẫu vật lớn nhất là 5 tuổi. Vì thế, họ nhận định thời kỳ mang thai ở cá Coelacanth kéo dài ít nhất 5 năm. Cá Coelacanth sinh sản trực tiếp như người, không qua đẻ trứng.

Giai đoạn thai nghén 5 năm là “rất kỳ lạ” đối với cá hoặc các loài động vật khác, theo Harold Walker, thuộc Viện Hải dương học Scripps (Mỹ). Ông Walker không thuộc đội nghiên cứu trên.

Tuy không có liên hệ về mặt di truyền và có đặc điểm tiến hóa khác, cá Coelacanth có tốc độ trưởng thành chậm tương tự các loài cá sống ở biển sâu (như cá mập và cá đuối), theo ông Ernande.

“Chúng có thể có lịch sử tiến hóa giống nhau vì môi trường sống của chúng tương tự”, ông Ernande nói.

Cá Coelacanth sở hữu một cấu trúc cơ thể rất khác biệt. Đây là loài động vật sống sót duy nhất mà người ta biết đến có các khớp nối nằm trong hộp sọ của chúng, giúp phân chia rõ ràng giữa phần trước và phần sau của hộp sọ từ bên trong.

Các nhà khoa học lý giải rằng, sự uốn cong tại các khớp nối có thể hỗ trợ "cá vây tay" trong việc há mồm to và nuốt chửng con mồi kích cỡ lớn.

Cá Coelacanth sở hữu một cấu trúc cơ thể rất khác biệt.
Cá Coelacanth sở hữu một cấu trúc cơ thể rất khác biệt. (Ảnh: Reuters).

Cá Coelacanth có đôi mắt sắc nét với cấu trúc "tapetum lucidum" (chất phản quang tương tự như trong mắt mèo), giúp chúng có thể thích nghi và tránh bị săn bắt trong mọi điều kiện tự nhiên, kể cả ban đêm.

Cá Coelacanth sinh sống trong các khu vực nước sâu và có kích cỡ tương đương với người lớn, chuyển động một cách chậm rãi và được mệnh danh là "hóa thạch sống". Loài cá này hoạt động vào ban đêm và phát triển một cách rất từ từ.

Cập nhật: 25/10/2024 Theo Zing/ĐSPL
  • 814