Loài cá ma cà rồng ám ảnh sông Amazon, không chỉ hút máu mà còn dùng vật chủ làm "phương tiện di chuyển"

  •   32
  • 1.328

Lưu vực sông Amazon là nơi ở của loài động vật hút máu khét tiếng - candiru - loài cá ma cà rồng. Tuy nhiên, có vẻ như chúng không chỉ hút máu, mà còn sử dụng cơ thể của vật chủ làm “phương tiện di chuyển” hoặc bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi.

Cá Vandelliinae.
Cá Vandelliinae.

Candiru là giống cá trê nhỏ và hơi trong suốt sống ở vùng nước Amazon âm u, chúng luồn lách cái đầu hẹp của mình vào mang của những con cá lớn hơn nhiều. Ở đó, chúng bám chặt bằng hàm răng chắc khỏe và hút máu. Loài cá này có lẽ nổi tiếng nhất với những câu chuyện trong đó chúng bị thu hút bởi nước tiểu của con người dưới sông và bơi lên niệu đạo của họ, một điều khủng khiếp. Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng cho việc candiru thích tấn công vào bộ phân sinh dục của con người.

Cho đến nay, chỉ có một báo cáo được coi là bằng chứng về candiru xâm nhập cơ thể người. Năm 1977, tại Manaus, Brazil, bệnh nhân nam được chuyển vào viện với con candiru trong niệu đạo. Sau nhiều giờ phẫu thuật, bác sĩ đã kéo xác cá ra khỏi dương vật nạn nhân.

Có khoảng 9 loài candiru (phân họ Vandelliinae) chắc chắn là cá ma cà rồng, thích nghi tuyệt vời với việc nhấm nháp hệ thống tuần hoàn máu của vật chủ.

Loài cá này thích nghi tuyệt vời với việc nhấm nháp hệ thống tuần hoàn máu của vật chủ
Loài cá này thích nghi tuyệt vời với việc nhấm nháp hệ thống tuần hoàn máu của vật chủ.

Vào tháng 4 năm 2019, Chiara Lubich - một nhà thủy học tại Đại học Liên bang Amazonas ở Manaus, Brazil - và các đồng nghiệp đang khảo sát và thu thập các loài cá ở Rio Negro, một con sông nhánh chính của Amazon. Khi nhóm đang gỡ và đo những con cá mắc vào lưới của họ, họ nhìn thấy một thứ gì đó kỳ dị bám vào hai bên hông của một loài cá trê gai (Doras phlyzakion). Những con candiru dài vài inch — sau này được xác định trong chi Paracanthopoma — chúng cư trú ở bên hông của cá trê, một vị trí kỳ lạ cho loại ký sinh trùng thường sống ở phần mang cá dễ bị tổn thương. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy nhiều hơn: tổng cộng có 9 con cá trê gai, với hơn chục con candiru ký sinh.

Các nhà nghiên cứu đã đưa những con candiru vào phòng thí nghiệm và xem xét chất chứa trong dạ dày của chúng bằng kính hiển vi, để xem chúng có đang ăn những con cá trê lớn hơn từ hai bên cơ thể hay không. Nhưng họ không tìm thấy gì cả. Không có máu, da, thịt hoặc chất nhầy.

Các phát hiện — được công bố trên tạp chí Acta Ichthyologica et Piscatoria — cho thấy rằng candiru có thể đã không ăn gì trên cơ thể vật chủ cả, chỉ bám theo như loài cá ép (remora) thường bám trên người cá mập.

Loài cá candiru chỉ bám theo như loài cá ép (remora) thường bám trên người cá mập.
Loài cá candiru chỉ bám theo như loài cá ép (remora) thường bám trên người cá mập.

Lubich nói: “Có vẻ như candiru bám vào và di chuyển với vật chủ vì những lý do khác ngoài thức ăn.”

Một sự tương tác lành tính như vậy giữa candiru và những con cá lớn hơn có thể cho thấy cá ma cà rồng có mối quan hệ đa dạng và phức tạp hơn với vật chủ so với những gì được nghĩ đến trước đây, và chúng có khả năng thu được một số lợi ích ngoài việc chỉ để no bụng.

Loài candiru có thể đang khai thác kích thước của vật chủ và khả năng bơi lội mạnh mẽ của chúng, sử dụng cơ thể của chúng như những chiếc taxi để di chuyển quãng đường trên sông mà sẽ không thể đạt được nếu chúng bơi một mình. Ngoài ra, vì candiru hơi trong suốt, nên việc ẩn mình vào cơ thể của một con cá lớn hơn có thể khiến những kẻ săn mồi khó phát hiện ra chúng hơn.

Larry Page, một nhà ngư học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida ở Gainesville, không tham gia vào nghiên cứu này, bị hấp dẫn bởi ý tưởng rằng loài candiru đang sử dụng những con cá lớn hơn làm phương tiện di chuyển.

Cá Paracanthopoma.
Cá Paracanthopoma.

“Đối với tôi, đó có vẻ là một lời giải thích hợp lý”, Page nói và chỉ ra rằng nhóm của Lubich không nhất thiết loại trừ khả năng đôi khi loài candiru ăn da của vật chủ. “Nhưng có vẻ như chúng đang sử dụng những con cá lớn hơn để di chuyển quãng đường dài, hoặc có lẽ chúng đang làm cả hai việc: ăn và đi nhờ.”

Lubich cho biết có thể có “sự khác biệt rõ rệt” trong thói quen ăn uống của phân họ candiru, trong đó Paracanthopoma chỉ là một phần. Một số loài đã được tìm thấy với đầu của chúng cắm sâu trong khoang bụng của vật chủ. Những con khác dường như cũng ăn vảy, chất nhầy và thậm chí một chút thịt của vật chủ. Lubich cho biết bản thân Paracanthopoma có mõm dài nhất và khỏe nhất trong số các loài cá candiru, điều này - cùng với hàm răng nghiến chặt - có thể giúp nó bám lấy hai bên của những con cá lớn hơn.

Tuy nhiên, Lubich chỉ ra rằng việc này cũng có thể liên quan đến cách bắt cá trê gai. Những con cá bị mắc kẹt trong lưới hàng giờ trước khi nhóm nghiên cứu lấy chúng ra. Candiru có thể cảm nhận được khi vật chủ bị thương hoặc sơ suất và tận dụng tình huống đó, Lubich giải thích.

Dù là gì đi chăng nữa, rõ ràng là có nhiều thứ liên quan đến hành vi những con cá ký sinh trùng nhỏ bé kỳ lạ này, hơn là chúng chỉ biết hút máu.

“Tôi tin rằng còn nhiều điều cần được giải đáp và tìm hiểu về mối quan hệ này, không chỉ với cá trê gai, mà cả mối quan hệ giữa cá ma cà rồng và các loài khác mà chúng ta chưa gặp và chưa được báo cáo,” Lubich nói.

Cập nhật: 23/07/2024 Theo Pháp luật & bạn đọc
  • 32
  • 1.328