Ôtô bay có thể thành taxi, giá cước 1USD/km

  •  
  • 1.619

Ý tưởng ôtô bay đang được các hãng công nghệ từng bước biến thành hiện thực, với việc tạo ra thiết bị có thể hoạt động như xe hơi, nhưng sẵn sàng cất cánh như máy bay trong tình huống khẩn cấp hoặc tắc đường, có thể được sử dụng làm taxi giá rẻ theo mô hình Uber.

Thiết bị bay chở khách không người lái

Tại triển lãm Điện tử tiêu dùng 2016 ở Mỹ, một tâm điểm chú ý của giới công nghệ là thiết bị bay không người lái (UAV) mang tên The 184 của hãng Ehang, Trung Quốc. Cái tên này có nghĩa là chở được 1 hành khách, có 8 động cơ đẩy và 4 cánh quạt.

Nó đã cụ thể hóa tham vọng của Ehang - trở thành đơn vị đầu tiên chế tạo máy bay chở khách không người lái. The 184 được thiết kế để bay các chặng ngắn và trung bình - khoảng 16km, với tốc độ khoảng 60 dặm mỗi giờ.

George Yan - đồng sáng lập Ehang - tuyên bố The 184 cho cảm giác "gấp 10 lần so với ngồi trên Ferrari". Tất cả những gì hành khách phải làm là nhập thông tin đích đến vào một ứng dụng trên smartphone. Ứng dụng sẽ tự chọn chặng đường tối ưu, tránh va chạm với các UAV khác. The 184 cất cánh và hạ cánh thẳng đứng nên không cần đường băng. Theo Ehang, nếu được ứng dụng hàng loạt, nó sẽ giúp giảm tắc đường và tai nạn giao thông.

Thuật ngữ "ôtô bay" bắt nguồn từ khoa học viễn tưởng và thường được giới nghiên cứu sử dụng với nghĩa trào phúng. Có thể gọi phương tiện này là phi cơ có thể chạy trên đường bộ, hệ thống bay hybrid, taxi bay. Điểm chung giữa chúng là có thể hoạt động như xe hơi, nhưng sẵn sàng cất cánh như máy bay trong tình huống khẩn cấp hoặc tắc đường.

Chiếc The 184 của hãng Ehang.
Chiếc The 184 của hãng Ehang. (Ảnh: Gearbrain).

Thiết kế ôtô bay không đơn thuần là lai ghép ôtô với máy bay - 2 phương tiện có sự khác biệt lớn về tải trọng, phân bố tải trọng và khí động học - một vấn đề đau đầu với các nhà nghiên cứu. Việc di chuyển trên đường khá khó khăn do ôtô bay có chiều ngang lớn, dễ mất thăng bằng khi gió mạnh. Cánh thường che tầm quan sát của người lái, giống điểm mù của xe hơi nhưng tệ hơn nhiều. Tuy nhiên, các vấn đề đang dần được giải quyết.

Một sáng chế mới của Toyota thiết kế hệ thống cánh trên nóc xe, có thể gấp lại để cải thiện tầm nhìn và kích thước.

Taxi bay theo mô hình Uber

Ôtô bay có thể đắt gấp hàng chục lần xe hơi truyền thống. Một nghiên cứu mới đây của NASA cho thấy sở hữu riêng taxi bay là chuyện không khả thi về kinh tế nếu xét mức năng lượng tiêu thụ và thời gian tiết kiệm được, ngay cả khi đã tính đến các công nghệ sẽ có trong tương lai.

Tuy nhiên, theo Roger Lanctot - chuyên gia phân tích của hãng Strategy Analytics, về mặt kinh tế, có thể coi ôtô bay là một thị trường ngách. Yếu tố kinh tế có thể chỉ là thứ yếu so với các mục đích đặc biệt như kiểm soát biên giới chẳng hạn. Các cơ quan chính phủ và một bộ phận người tiêu dùng vẫn sẵn sàng trả hàng trăm nghìn USD nếu cần.

"Thỉnh thoảng, mặt hàng được mua không nhất thiết phải đạt điểm tối ưu về lợi ích kinh tế" - Carl Dietrich - CEO của Terrafugia, một hãng sản xuất ôtô bay nói.

Cũng theo NASA, trong tương lai, chúng ta có thể đi "taxi bay" với tốc độ gấp 3 lần taxi truyền thống, nhưng giá chỉ bằng xe Uber: 1USD/km. Để taxi bay giá rẻ thành hiện thực, chúng ta cần loại phương tiện có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, chạy bằng động cơ DEP - loại động cơ đang được nhóm LEAPTech của NASA nghiên cứu.

Mô hình này sẽ cần công nghệ kết nối của Uber để đảm bảo mỗi chiếc taxi bay có thể thực hiện 1.500 giờ bay một năm. Ngoài ra, sự vào cuộc của các hãng công nghệ tư nhân cũng sẽ là một điểm mấu chốt.

Cập nhật: 17/01/2017 Theo khoahocphattrien
  • 1.619