Phát hiện thành phố cổ đại biến mất cách đây 2000 năm

  •  
  • 2.946

Sau 2000 năm tưởng chừng như biến mất trong dòng chảy lịch sử, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra Qalatga Darband – thành phố cổ đại được xây dựng dưới thời Alexander Đại đế.

Mặc dù không thể đưa ra thời điểm chính xác, nhưng các chuyên gia cho rằng, thành phố cổ đại thuộc Kurdistan, Iraq này ra đời trong khoảng đầu của cuộc chiến giữa Alexander III và Darius III - vua Ba Tư cổ đại. Điều bất ngờ là thành phố này được tìm thấy với những dấu tích của chiến tranh mặc dù nó nằm khá xa khu vực giao chiến.

Thành phố vừa được phát hiện sau 2000 năm tưởng như biến mất.
Thành phố vừa được phát hiện sau 2000 năm tưởng như biến mất. (Ảnh: Bảo tàng Anh).

Thành phố rượu nhộn nhịp

Chinh phục thế giới là một hành trình vĩ đại và cần nhiều “hơi men”, chính vì thế nên Qalatga Darband, hay còn được gọi là “Lâu đài trên những đỉnh núi”, được xây dựng để bán rượu cho binh lính và những tay thương gia trong hành trình lao động đến “đỉnh vinh quang”.

"Tuy mới chỉ ở giai đoạn đầu của nghiên cứu, nhưng chúng tôi tin rằng đây từng là thành phố nhộn nhịp bậc nhất trên con đường giao thương giữa Irag với Iran", nhà khảo cổ học John MacGinnis thuộc Bảo tàng Anh, cho biết.

MacGinnis và nhóm của ông đang làm việc trong chương trình Đào tạo Quản lý Di sản Khẩn cấp của Iraq. Chương trình này nhằm đào tạo các chuyên gia để xác định và giải cứu các báu vật vô giá trước nguy cơ bị phá hủy bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Từ những năm 1960, các nhà khoa học đã bắt đầu nghi ngờ về các cổ vật kì lạ được phát hiện trong hình ảnh của vệ tinh do thám. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh ở khu vực đã ngăn cản các chuyên gia tìm hiểu sâu hơn.

Di tích bờ tường còn sót lại của thành phố "rượu".
Di tích bờ tường còn sót lại của thành phố "rượu". (Ảnh: Bảo tàng Anh).

Phát hiện nhờ máy bay không người lái

Mãi cho tới thế kỉ 21, với các tiến bộ khoa học đặc biệt trong lĩnh vực máy bay không người lái, các nhà nghiên cứu mới có thể điều tra cảnh quan của khu vực từ trên cao. Ngạc nhiên thay, nhóm khảo cổ phát hiện được những điểm khác biệt tinh tế đan xen giữa các cây mọc hoang và những phế tích.

MacGinnis nói: "Chiếc máy bay thật sự đã mang lại những thông tin vô cùng tuyệt vời. Ở những nơi có các bức tường cổ đại chôn dưới lòng đất, lúa mì và lúa mạch không phát triển tốt. Cây trồng trong khu vực này có các dấu hiệu màu sắc khác nhau”.

Các cuộc điều tra trên mặt đất cho đến nay đã phát hiện nền tảng của một số tòa nhà lớn trong lòng đất. Chúng bao gồm cả một bức tường được gia cố và các máy ép đá có thể đã được sử dụng trong sản xuất rượu vang hoặc dầu.

Các chuyên gia cũng phát hiện trong thành phố một đồng tiền xu trong thời đại của vua Parthian Orodes II - người cai trị giữa năm 57 TCN đến năm 37 TCN. Điều này chứng tỏ thành phố có thể đã tồn tại trước thời Alexander đại đế.

Nghiên cứu sẽ tiếp tục đến năm 2020 và chúng ta sẽ được cập nhật những bí mật thú vị xung quanh thành phố bí ẩn này. Các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực để xác định thời điểm “Lâu đài trên những đỉnh núi” được thành lập và vì nguyên do nào mà nó biến mất.

Alexander III của Macedonia, được biết rộng rãi với cái tên Alexander Đại đế, là Quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN). Tuy nhiên, ông giành rất ít thời gian cho việc trị quốc tại quê nhà Macedonia.

Trong suốt triều đại của ông, người chiến binh này chủ yếu giành thời gian cho các cuộc chinh phạt, và được xem là một trong những vị tư lệnh thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời.

Ông được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử. Vì những chiến công hiển hách và ảnh hưởng lớn lao của ông đối với lịch sử thế giới, vị vua trẻ tuổi xứ Macedonia trở nên nổi tiếng với cái tên là Alexander Đại Đế.

Cập nhật: 29/09/2017 Theo khampha
  • 2.946