Sọc trên mình ngựa vằn được giải mã

Giải mã nguyên nhân ngựa vằn có sọc trên thân
  •  
  • 4.872

Những đường kẻ sọc sẽ giúp bảo vệ ngựa vằn khỏi các loài động vật ăn thịt nhờ tạo ra ảo ảnh quang học.

Sau khi sử dụng mô hình máy tính nghiên cứu, các nhà khoa học từ trường đại học Queensland, Australia phát hiện ra sọc ngựa vằn có thể tạo ra ảo ảnh quang học khi con vật di chuyển, giúp nó tránh khỏi sự tấn công của nhiều loại động vật ăn thịt. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zoology, BBC đưa tin.

Giới khoa học trước đó cho rằng, sọc ngựa vằn có chức năng truyền tín hiệu xã hội, ngụy trang vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn trong môi trường đồng cỏ.

Sọc trên mình ngựa vằn được giải mã
Ngựa vằn có sọc kẻ đen và sọc kẻ trắng xen kẽ lẫn nhau. (Ảnh: JGoldizen)

Trong nghiên cứu lần này, giáo sư Johannes Zanker của Đại học London, Anh và đồng nghiệp xem xét quá trình ngựa vằn gây nhầm lẫn cho kẻ thù ăn thịt và động vật ký sinh dựa trên việc phân tích hình ảnh, các đoạn băng video.

Kết quả cho thấy, khi ngựa vằn di chuyển sẽ tạo ra cảm nhận thông tin sai lệch cho người xem. Con người và nhiều loài động vật khác có hệ thần kinh phát hiện chuyển động dựa trên đường nét vật thể nên dễ bị hiểu nhầm, đánh giá sai chuyển động của con vật. Ví dụ, khi quay bánh xe cùng chiều kim đồng hồ đạt đến một tốc độ nào đó, con người có cảm giác bánh xe quay theo chiều ngược lại.

Các sọc chéo rộng bên hông, đường kẻ sọc hẹp trên lưng và cổ ngựa vằn gây ra ảo giác cho người xem khi con vật di chuyển, đặc biệt trong một đàn ngựa vằn lớn. Điều này giúp đánh lạc hướng động vật ăn thịt, làm sai lệch quá trình tiếp cận của động vật ký sinh”, Martin, tiến sĩ tại Đại học Queensland, Australia nói.

Ông cũng cho biết thêm: “Kết quả thu được có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu khuôn mẫu ở động vật, rất nhiều loài cá trinh nữ hay rắn cũng sử dụng màu sắc cơ thể để lẩn trốn. Con người có thể áp dụng vào để ngụy trang tàu chiến hoặc dàn trận trên quy mô lớn”.

Các sọc trên thân ngựa vằn còn giúp ngựa vằn có thể điều hòa được thân nhiệt.
Các sọc trên thân ngựa vằn còn giúp ngựa vằn có thể điều hòa được thân nhiệt.

Ngoài tác dụng bảo vệ ngựa vằn khỏi các loài ăn thịt thì các sọc trên thân ngựa vằn còn giúp ngựa vằn có thể điều hòa được thân nhiệt.

Nghiên cứu và so sánh sọc ngựa vằn từ 16 địa điểm với điều kiện sống khác nhau, các nhà khoa học từ trường ĐH. California (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, sự khác biệt giữa cách hấp thụ và tỏa nhiệt ở các vùng lông có màu tối và sáng trên da ngựa vằn chính là nguyên nhân để tạo nên sọc.

Từ các phân tích kết hợp với điều kiện sống, các nhà khoa học đã tìm ra được một mối liên kết khá rõ ràng giữa nhiệt độ và lớp da của ngựa vằn. Qua đó, thường ở những khu vực nóng nhất thì ngựa vằn sẽ có nhiều sọc hơn mức bình thường và đồng thời chúng cũng sẽ có sọc màu đậm hơn cả khi ở các vùng nhiệt đới.

Giải thích cho lý do này, các nhà khoa học khẳng định các vùng lông có màu trắng và đen có tốc độ hấp thụ và tỏa nhiệt khác nhau, nên sự sắp xếp sọc vằn có thể tạo ra được sự đối lưu không khí thích hợp nhất cho cơ thể loài ngựa. Nói một cách khác, nó chính là một chiếc điều hòa vô hình được tích hợp trên cơ thể ngựa vằn.

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra một công dụng mới của những sọc đen này. Cụ thể, chúng dường như liên quan nhiều hơn đến việc ngăn chặn loài ruồi hút máu.

Đây là một nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Bristol ở Anh dẫn đầu. Sau nhiều thử nghiệm, họ dần phát hiện ra rằng các sọc đen của ngựa vằn là một biện pháp bảo vệ khá tốt chống lại các loài ruồi.

Để đưa ra nhận định trên, các nhà nghiên cứu đặt những chiếc chăn có thiết kế khác nhau lên lưng ngựa, rồi ghi lại hành vi của ruồi hút máu khi chúng bay đến gần và tương tác với ngựa.

Kết quả cho thấy ruồi hút máu nói riêng, và các loài ruồi nói chung không thích hạ cánh trên các vật thể có sọc màu xen lẫn.

Những họa tiết khác nhau được thử nghiệm trên lưng ngựa.
Những họa tiết khác nhau được thử nghiệm trên lưng ngựa. (Ảnh: Journal of Experimental Biology).

Lý giải cho thói quen kỳ lạ, GS. Tim Caro từ ĐH Bristol cho biết ruồi bị thu hút nhiều nhất bởi các vật thể có gam màu tối trên diện rộng. Tuy nhiên khi cấu trúc của nó bị phá vỡ bởi những mảng trắng, ruồi trở nên ít muốn tương tác hơn.

Điều này được minh chứng dựa trên các thí nghiệm. Đó là khi những sọc có độ tương phản càng cao, thì ruồi càng ít muốn hạ cánh.

Điều này cho thấy bất kỳ loài động vật móng guốc nào nếu như có ít gam màu tối tổng thể trên da, hoặc sở hữu những mảng màu xen lẫn, thì càng có lợi thế trong việc giảm bớt sự tấn công của các loài côn trùng, ký sinh.

Cập nhật: 29/07/2024 Tổng Hợp
  • 4.872