Con sông trải dài hơn 6km xuyên qua rừng Amazon với nhiệt độ trung bình 86 độ C, khiến hầu hết động vật mất mạng nếu vô tình rơi xuống nước.
Theo IFL Science, Andrés Ruzo, nhà vật lý địa chất quốc tịch Peru, là người đầu tiên chú ý đến sông nước sôi vào năm 2011.
Con sông được cộng đồng người bản xứ sinh sống trong rừng Amazon biết đến từ nhiều thế kỷ, nhưng chưa xuất hiện chính thức trên bản đồ. Tuy nhiều câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng kỳ lạ này chưa có lời giải, nghiên cứu của Ruzo giúp hé lộ một số bí mật gắn với con sông.
Tên gọi của dòng sông nghĩa là "sôi sục với hơi nóng Mặt trời" trong ngôn ngữ địa phương. (Ảnh: Sofia Ruzo).
Những nguồn nước nóng tự nhiên không phải điều mới mẻ. Suối địa nhiệt có mặt ở khắp nơi trên thế giới như Iceland và Yosemite, Mỹ. Các dòng suối kiểu này luôn nằm gần núi lửa, nhưng sông nước sôi ở Peru cách trung tâm núi lửa gần nhất hơn 700 km.
Sông nước sôi Shanay-timpishka có nghĩa là "sôi sục với hơi nóng Mặt trời", hay còn gọi là La Bomba ở Peru được cộng đồng người bản xứ Amazon biết tới suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, nhiều học giả, nhà chức trách và cả ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đều hoài nghi sự tồn tại của nó. "Điều lý thú nhất là kích thước của con sông. Sau cùng, không nhất thiết phải có một ngọn núi lửa để suối nước nóng hình thành, nhưng khi không có núi lửa ở gần, những dòng suối thường không lớn đến mức này", Ruzo nhận xét.
Sông nước sôi dài 6,24km và có nhiệt độ trung bình 86˚C. Do phần lớn lòng sông rộng hơn một con đường hai làn, lượng nhiệt cần thiết để đun nóng toàn bộ thể tích nước đến nhiệt độ cao như vậy phải ở mức vô cùng lớn. Điều khiến anh bất ngờ là thượng nguồn của nó khá lạnh. Nó chỉ nóng lên khi chảy qua một suối nước nóng nằm bên dưới tảng đá hình đầu rắn. Sau khi bàn bạc với pháp sư, Ruzo được phép nghiên cứu dòng sông và lấy mẫu nước về phòng thí nghiệm.
Adrés Ruzo bắt đầu nghiên cứu dòng sông từ năm 2011. (Ảnh: Devlin Gandy).
Trong một bài phỏng vấn, Ruzo cho biết con sông đủ nóng để giết chết hầu hết động vật rơi xuống nước. Theo Ruzo, bộ phận đầu tiên bị hủy hoại là mắt, sau đó da thịt của nạn nhân bắt đầu bị dòng sông luộc chín.
Một câu hỏi lớn là lượng nhiệt của dòng sông bắt nguồn từ đâu. Phân tích hóa học do Ruzo tiến hành chỉ ra nước sông đến từ những cơn mưa. Sau khi rơi xuống, nhiều khả năng nước mưa thấm sâu xuống lòng đất, nơi nó được nung nóng bởi địa nhiệt của Trái đất, trước khi chảy vào vùng rừng Amazon. Nói cách khác, dòng sông là một phần của hệ thống thủy nhiệt khổng lồ.
Ruzo chia sẻ trước khi tiếp cận dòng sông, anh nghi ngờ nó có thể do một giếng dầu hoặc khí gas gây ra. Dù Ruzo đã có kết luận sau nghiên cứu, anh quyết định đẩy lùi ngày công bố cho đến khi chính phủ Peru có biện pháp bảo vệ dòng sông trước những đối tượng khai thác trái phép.
Từ lâu, dòng sông đã gắn liền với văn hóa dân gian, huyền bí và tâm linh từ bao đời nay. Người dân địa phương coi con sông như một địa điểm thiêng liêng, là điểm kết nối giữa con người với thế giới tâm linh và thiên nhiên.
Nước ở sông Shanay-timpishka đủ nóng để pha trà. (Ảnh: MudaCom)
Việc phát hiện ra dòng sông sôi này cho thấy thực tế là ngay cả trong thế kỷ 21, vẫn còn một số kỳ quan thiên nhiên trên cạn vẫn chưa được khám phá. Thực tế là các khu rừng xung quanh dòng sông đang sôi sục đang phải đối mặt với các mối đe dọa lớn từ nạn phá rừng khiến Chính phủ Peru cần phải đẩy nhanh các nỗ lực để cứu khu vực này và các hệ sinh thái độc đáo lân cận khác.
Những nhà nghiên cứu đã gây áp lực để chính phủ Peru phải tuyên bố dòng sông là di tích quốc gia và giới hạn những người có thể đến gần nơi này, khuyến khích du lịch sinh thái có trách nhiệm trong khu vực.
Tương tự phần còn lại của rừng mưa Amazon, khu vực xung quanh Shanay-timpishka đang bị đe dọa bởi nạn chặt phá rừng, các dự án phát triển và khai thác nhiên liệu hóa thạch. Ruzo hy vọng nghiên cứu của anh sẽ thúc đẩy chính phủ Peru tìm cách bảo vệ dòng sông.