Tìm thấy bộ não thuỷ tinh hoá cực hiếm của nạn nhân thảm họa Pompeii

  •   2,36
  • 38.708

Trải qua rất nhiều thời gian, mới đây các nhà khoa học đã phát hiện tế bào não và tủy sống được bảo quản đáng kinh ngạc của nạn nhân.

Hình ảnh một nạn nhân thiệt mạng ở thảm hoạ Pompeii sau khi núi lửa Vesuvius phun trào
Hình ảnh một nạn nhân thiệt mạng ở thảm hoạ Pompeii sau khi núi lửa Vesuvius phun trào.

Nghiên cứu được công bố trên PLOS One cho biết cấu trúc của tế bào não có thể được nhìn thấy trong vật liệu thủy tinh màu đen được tìm thấy trong hộp sọ của một chàng trai trẻ. Vật liệu thủy tinh được xác định chính là bộ não đã thủy tinh hóa.

Theo Tạp chí Y học New England, quá trình thủy tinh hóa là quá trình mô bị đốt cháy ở nhiệt độ cao và biến thành thủy tinh hoặc men.

"Việc phát hiện ra mô não trong hài cốt người cổ đại là một sự kiện bất thường, nhưng điều cực kỳ hiếm là sự bảo tồn toàn vẹn cấu trúc tế bào thần kinh của hệ thần kinh trung ương 2000 năm trước. Trong trường hợp phát hiện của chúng tôi là chưa từng có", nhà nhân chủng học pháp y tại Đại học Naples Federico II, Pier Paolo Petrone, cho biết.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kính hiển vi điện tử cùng các công cụ hình ảnh tiên tiến để xem cấu trúc tế bào thần kinh cổ đại để khẳng định phát hiện của mình.

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy quá trình thủy tinh hóa xảy ra tại Herculaneum. Một loại vật liệu độc nhất vô nhị đã “đóng băng” các cấu trúc tế bào thần kinh của nạn nhân này, bảo tồn chúng nguyên vẹn cho đến ngày nay", Petrone nói thêm.

Hài cốt được cho là của một người đàn ông 20 tuổi được phát hiện gần thị trấn cổ Herculaneum, ở dưới chân núi Vesuvius khi nó phun trào vào năm 79 sau Công nguyên.

Vào tháng 10 năm 2018, một đoạn văn bản nguệch ngoạc trên tường được phát hiện cho thấy vụ phun trào xảy ra vào tháng 10 năm 79 sau Công Nguyên, muộn hơn hai tháng so với suy nghĩ trước đây.

Thành phố Pompeii của La Mã đã bị tàn phá sau vụ phun trào của núi lửa Vesuvius vào năm 79 sau Công nguyên. Pompeii nhanh chóng bị tro núi lửa vùi lấp, giết chết khoảng 2.000 cư dân của thành phố.

Kể từ khi được phát hiện vào thế kỷ XVI, tàn tích Pompeii đã mang đến cho các nhà nghiên cứu cái nhìn sâu sắc về cuộc sống như thế nào trước khi núi lửa Vesuvius phun trào xóa sổ toàn bộ thành phố.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2018, khi núi lửa Vesuvius phun trào, vụ nổ đã gây ra nhiệt độ cực cao khiến hộp sọ của các nạn nhân phát nổ, máu của họ sôi lên và cơ bắp, thịt, não của họ biến thành tro.

Cập nhật: 08/10/2020 Theo Dân Trí
  • 2,36
  • 38.708