Chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới ngày càng sớm, có đáng lo không?

  •  
  • 241

Các nhà nghiên cứu cho biết béo phì và tác động của các hóa chất trong môi trường có thể đóng một vai trò nhất định, khi chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới ngày càng sớm hơn và không đều đặn, so với các thế hệ trước.

Theo Washington Post, một nghiên cứu mới trên 71.341 phụ nữ cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng, khi độ tuổi mà các cô gái bắt đầu có kinh nguyệt ngày càng trẻ hơn. Xu hướng này thậm chí còn rõ ràng hơn đối với một số nhóm chủng tộc và sắc tộc.

Chu kỳ kinh nguyệt ngày càng sớm và không đều

Các phát hiện này cũng cho thấy nhiều cô gái và phụ nữ trẻ đang trải qua chu kỳ kinh không đều trong nhiều năm, một yếu tố nguy cơ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, các bệnh chuyển hóa như tiểu đường và một số loại ung thư.

Dữ liệu được thu thập như một phần của Nghiên cứu Sức khỏe phụ nữ của Apple, được phát triển bởi Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan phối hợp với Viện Khoa học sức khỏe môi trường quốc gia Hoa Kỳ (NIEHS) và Apple.

Độ tuổi mà các cô gái bắt đầu có kinh nguyệt ngày càng trẻ hơn
Độ tuổi mà các cô gái bắt đầu có kinh nguyệt ngày càng trẻ hơn - (Ảnh: NYT).

Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu theo dõi chu kỳ từ iPhone và đồng hồ Apple, cũng như các cuộc khảo sát để tìm hiểu thêm về chu kỳ kinh nguyệt, nguy cơ sức khỏe và tình trạng phụ khoa. Các phát hiện này không thể đại diện cho toàn bộ dân số Hoa Kỳ.

Nhưng những phát hiện này, được công bố trên JAMA Network Open, phản ánh các nghiên cứu khác, bao gồm cả nghiên cứu về xu hướng tuổi kinh nguyệt ở phụ nữ da trắng và da đen tại Mỹ trong vòng 50 năm, dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia, một báo cáo của chính phủ về xu hướng sức khỏe.

Nghiên cứu mới trên JAMA cho thấy độ tuổi trung bình có kinh nguyệt lần đầu trong nhóm người dùng Apple giảm xuống còn 11,9 tuổi ở những người sinh từ năm 2000 đến năm 2005, so với 12,5 tuổi ở những người sinh từ năm 1950 đến năm 1969.

Những người tham gia tự nhận mình là người châu Á, không phải người da đen gốc Tây Ban Nha hoặc đa chủng tộc, luôn báo cáo độ tuổi trung bình có kinh lần đầu sớm hơn so với những người tham gia da trắng.

Các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu này rất quan trọng, vì các nhóm người gốc Tây Ban Nha và châu Á chưa được nghiên cứu kỹ trong nghiên cứu trước đây về độ tuổi có kinh lần đầu. Nghiên cứu cũng tập trung khái niệm "dấu hiệu sinh tồn" mới - khoảng thời gian giữa kỳ kinh nguyệt đầu tiên và những chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.

Có kinh sớm dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe

Zifan Wang, người dẫn đầu nghiên cứu và là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy trẻ em có thời gian để chu kỳ kinh trở nên đều đặn lâu hơn. Điều này cũng rất đáng lo ngại vì chu kỳ kinh không đều là dấu hiệu quan trọng cho thấy các biến cố bất lợi về sức khỏe sau này. Đây là dấu hiệu cảnh báo. Chúng ta cần tư vấn và can thiệp sớm hơn về chu kỳ không đều ở trẻ em và thanh thiếu niên".

Dữ liệu cũng cho thấy tỉ lệ bé gái bắt đầu có kinh trước 11 tuổi, hoặc có kinh rất sớm trước 9 tuổi đa phần nằm trong nhóm có năm sinh trong thời gian gần đây, so với nhóm sinh trước kia.

Shruthi Mahalingaiah, một trong các tác giả của nghiên cứu và trợ lý giáo sư về sức khỏe môi trường, sinh sản và phụ nữ tại Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan, cho biết những cô gái bắt đầu có kinh ở độ tuổi rất trẻ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khó khăn hơn trong cuộc sống.

Mahalingaiah nhấn mạnh biểu hiện giai đoạn đầu có thể là dấu hiệu cho tình trạng sức khỏe trong tương lai, từ đó giúp các bác sĩ đưa ra quyết định về việc chăm sóc. Cô lưu ý rằng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với các bé gái ở mọi lứa tuổi.

Cô nói: "Tôi sẽ đề cập lại vấn đề nhận thức và giáo dục, để phụ huynh và nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe nhận thức được. Chúng ta cần xem xét các yếu tố tăng cường sức khỏe mà ta có thể thực hiện, để tác động không chỉ đến tuổi có kinh mà còn cả thời gian để có được chu kỳ đều đặn".

Điều gì đã xảy ra?

Theo các nhà nghiên cứu, béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm và dường như là yếu tố góp phần tạo nên xu hướng này. Nhưng việc độ tuổi có kinh lần đầu sớm hơn đã xuất hiện ngay cả trước tình trạng béo phì, cho thấy có các yếu tố khác đang tác động.

Một mối quan tâm lớn là "hóa chất vĩnh viễn", với gần 15.000 hóa chất nhân tạo được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và được tìm thấy trong nhiều nguồn thực phẩm và nước. Những hóa chất gây rối loạn nội tiết này, cũng như kim loại nặng và các chất gây ô nhiễm không khí, đều có thể đóng vai trò quan trọng trong dậy thì sớm.

Và quan trọng hơn, chế độ ăn uống kém bao gồm ăn nhiều thực phẩm có đường, căng thẳng và trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình dậy thì.

Cập nhật: 01/06/2024 Tuổi Trẻ
  • 241