Cóc mía độc Australia lập kỷ lục to nhất thế giới

  •  
  • 296

Con cóc mía khổng lồ bò ở một đường mòn ven rừng ở Queensland gây bất ngờ cho các cán bộ lâm nghiệp với kích thước lớn chưa từng thấy.


Cán bộ ở vườn quốc gia tại Queensland đo kích thước con cóc. (Video: Newsweek)

Con cóc mía nặng 2,7kg được tìm thấy ở vườn quốc gia Conway tại bang Queensland, Australia. Cán bộ quản lý rừng Kylee Gray trông thấy con cóc ở bên đường khi dừng lại để một con rắn bò qua đường mòn. Anh và đồng nghiệp đặt tên cho nó là Toadzilla và bỏ nó vào bao chứa để loại khỏi tự nhiên.

Mẫu vật khổng lồ này có thể phá vỡ kỷ lục dành cho con cóc mía lớn nhất từng được phát hiện. Cá thể giữ Kỷ lục Thế giới Guinness hiện nay nặng 2,65 kg năm 1991. Tuy nhiên, cóc mía không phải động vật được yêu thích bởi chúng là loài gây hại. Theo thông báo từ Cơ quan Môi trường và Khoa học Queensland, con cóc bị tiêm trợ tử sau đó.

Con cóc mía này nặng tới 2,7kg.
Con cóc mía này nặng tới 2,7kg.

Cóc mía là động vật bản xứ ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, được giới thiệu vào Australia năm 1935 nhằm kiểm soát số lượng bọ mía phá hoại những cánh đồng mía ở bang Queensland. Thay vào đó, chính cóc mía trở thành loài xâm hại với số lượng hiện nay vượt trên 200 triệu con.

Cóc mía bị xem là mối đe dọa lớn do tác động của chúng đối với động vật hoang dã bản xứ. Bản thân cóc mía có độc, có nghĩa động vật ăn thịt bản xứ và thậm chí vật nuôi có thể chết nếu cắn hoặc liếm chúng. Trong một số trường hợp, quần thể động vật ăn thịt như cự đà đốm vàng giảm 90% sau khi môi trường sống của chúng bị cóc mía xâm chiếm. Không chỉ vậy, cóc mía còn cạnh tranh thức ăn và môi trường sinh sản với các loài bản xứ. Cóc cái đẻ tới 30.000 quả trứng một mùa.

"Cóc mía cỡ lớn sẽ ăn bất cứ thứ gì vừa miệng chúng, bao gồm côn trùng, bò sát và động vật có vú nhỏ", Gray cho biết. Dựa trên kích thước của con cóc bắt được, các cán bộ lâm nghiệp cho rằng nó là cóc cái bởi cóc cái có xu hướng phát triển lớn hơn cóc đực.

Cập nhật: 27/01/2023 VnExpress
  • 296