Hồ Poopó rộng 1000km2 bỗng dưng mất tích

  •  
  • 2.901

Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) vừa công bố các hình ảnh vệ tinh chụp từ tháng 4/2014 – 1/2016 khẳng định hồ Poopó lớn thứ hai tại Bolivia, đã hoàn toàn bốc hơi – theo đúng nghĩa đen của từ này.

Theo phóng viên tại Mỹ Latinh, hồ Poopó nằm tại một lòng chảo của cao nguyên Altiplano, ở độ cao khoảng 3.700 mét và diện tích bề mặt khoảng 1.000km2; nhưng có độ sâu chỉ khoảng 3m và tại một khu vực tương đối khô cằn.

Hồ Poopó cạn dần qua các bức ảnh vệ tinh.
Hồ Poopó cạn dần qua các bức ảnh vệ tinh. Ba bức hình được chụp vào ngày 27 tháng 4 năm 2014, 20 tháng 7 năm 2015, và ngày 22 tháng 1 năm 2016.

Các nhà khoa học cho biết những điều kiện tự nhiên này khiến Poopó rất nhạy cảm với những biến đổi của thời tiết và khí hậu. ESA cảnh báo: "dù đây không phải lần đầu tiên Poopó bị bốc hơi toàn phần (lần gần nhất là năm 1944), nhưng có nhiều cơ sở để lo ngại rằng lần này sẽ mất rất nhiều thời gian để lòng hồ đầy nước trở lại, hoặc thậm chí là không bao giờ".

Báo cáo hình ảnh của ESA đã tái khẳng định thông báo vào tháng 12/2015 của chính quyền bang Oruro, phía Tây Bolivia – địa phương chịu trách nhiệm quản lý hồ Poopó – về hiện tượng này.

Hồ Poopó không ít lần bị khô cạn.
Hồ Poopó không ít lần bị khô cạn.

Bên cạnh vai trò là nguồn sống cho các ngư dân bản địa, Poopó là một điểm dừng chân cho các loài chim di cư từ bắc xuống nam để tránh rét và là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng tại một khu vực khô cằn cho một số loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng như loài báo Puma trên dãy Andes. Chính phủ Bolivia ước tính cần ít nhất 114 triệu USD để "giải cứu" hồ Poopó khỏi tình trạng khô hạn này.

Cập nhật: 19/02/2016 Theo TTVH
  • 2.901