Hóa thạch hộp sọ của chuột cổ đại to như mèo

  •  
  • 168

Chuột sóc Sicily buộc phải tiến hóa theo hướng to lớn hơn để thoát khỏi móng vuốt của cú lợn khổng lồ sống cùng đảo.

Các nhà khoa học đến từ Đại học York, Anh, phục dựng hộp sọ từ hóa thạch xương dài 10 cm của chuột sóc khổng lồ tìm thấy trên đảo Sicily, Italy. Họ cho rằng đây có thể là loài chuột sóc lớn nhất từng sống trên Trái đất Loài chuột sóc này không bị ảnh hưởng nhiều bởi mùa đông lạnh nên có thể hoạt động quanh năm.

Chuột sóc Sicily to cỡ mèo ngày nay.
Chuột sóc Sicily to cỡ mèo ngày nay. (Ảnh: Science Daily).

Theo nghiên cứu công bố hôm 9/7 trên tạp chí Open Quarternary, chuột sóc cổ đại phát triển tới kích thước lớn như vậy để cạnh tranh với cú lợn lưng xám trên đảo. Cú lợn lưng xám ở đảo Sicily lớn gấp đôi cú lợn ngày nay và có thể quắp chuột sóc từ trên cao, gây áp lực buộc con mồi của chúng phải trở nên to hơn để khỏi bị bắt.

"Chuột sóc Sicily tiền sử lớn hơn bất cứ thứ gì chúng tôi từng biết. Thật kỳ lạ khi hình dung chuột sóc to như con mèo hoặc thỏ lớn từng lang thang trên Trái đất Ngay cả sau khi phục dựng hộp sọ, chúng tôi vẫn cảm thấy khó tin", tiến sĩ Philip Cox ở Đại học York, chia sẻ.

Chuột sóc Sicily có tên khoa học Leithia melitensis, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1863. Cox và cộng sự lần đầu tiên phục dựng hộp sọ của chúng dựa trên kỹ thuật số, sử dụng mảnh vỡ từ 5 cá thể phát hiện trong một hang động phía nam thị trấn Terrasini ở Sicily trong quá trình xây đường cao tốc năm 1976. Hộp sọ phục dựng dài bằng cơ thể và đuôi của nhiều loài chuột sóc hiện đại. Răng của chuột sóc Sicily có nhiều chóp nhọn, chứng tỏ chúng chuyên ăn cây cỏ để duy trì kích thước.

Theo các nhà nghiên cứu, chuột sóc cổ đại không ngủ đông vì kích thước khổng lồ cho phép chúng giữ ấm tốt hơn. Họ cũng suy đoán chúng sống trong các hang hốc và không biết trèo cây.

Cập nhật: 13/07/2020 Theo VnExpress
  • 168