Loài cóc khổng lồ, phàm ăn xâm lấn Đài Loan

  •  
  • 508

Một loài cóc phàm ăn có nguồn gốc từ châu Mỹ đang sinh sôi nảy nở ở miền trung Đài Loan, đe dọa hệ sinh thái bản địa.

Cóc là biểu tượng cho may mắn và thịnh vượng ở Đài Loan, nhưng sự xuất hiện bất ngờ về một loài xâm lấn đang khiến các quan chức và nhà môi trường phải tìm cách ngăn chặn sự lây lan của chúng. Với đèn pin và găng tay bảo hộ, hàng chục tình nguyện viên từ Hiệp hội Bảo tồn Động vật lưỡng cư đang làm việc suốt đêm trên các ruộng rau và cánh đồng lúa để tìm kiếm những con cóc mía khổng lồ.

Một con cóc mía trưởng thành xuất hiện ở thị trấn Chaotun, miền trung Đài Loan.
Một con cóc mía trưởng thành xuất hiện ở thị trấn Chaotun, miền trung Đài Loan. (Ảnh: AFP)

Không có lý do gì để loài lưỡng cư lớn và có độc tố cao này tồn tại ở Chaotun, một thị trấn dưới chân đồi ở miền trung Đài Loan. Cóc mía là loài bản địa ở Nam - Trung Mỹ và chưa từng được ghi nhận ở Đài Loan trước đây, mặc dù đã có một số báo cáo về việc chúng xâm lấn và phá hoại môi trường sinh thái ở Australia và Philippines.

Mọi chuyện bắt đầu từ vài tuần trước khi cư dân Chaotun tình cờ bắt gặp một số con cóc lớn bất thường trong vườn rau của mình và chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội. Ngay sau khi nhìn thấy bài đăng, các nhà bào tồn đã lập tức mở một cuộc săn lùng quanh địa điểm.

"Hoạt động tìm kiếm được thực hiện nhanh chóng khi chúng tôi ghi nhận những con cóc mía đầu tiên ở Chaotun. Chúng có kích thước rất lớn và không có kẻ thù tự nhiên ở Đài Loan", nhà khoa học lưỡng cư Lin Chun-fu nhấn mạnh.

 Cóc mía có thể phát triển tới chiều dài 24 cm và không có kẻ thù tự nhiên.
Cóc mía có thể phát triển tới chiều dài 24cm và không có kẻ thù tự nhiên. (Ảnh: AFP)

Cóc mía là một loài xâm lấn nguy hiểm vì ba lý do chính. Chúng là những kẻ săn mồi phàm ăn, sinh sản mạnh và chứa độc tố cao. Đốc tố được cóc tiết ra, như một cơ chế bảo vệ, đặc biệt nguy hiểm đối với những con chó hoặc vật nuôi tiếp xúc với chúng.

Các tình nguyện viên từ Hiệp hội Bảo tồn Động vật lưỡng cư, do chuyên gia Yang Yi-ju từ Đại học Quốc gia Dong Hwa dẫn đầu, báo cáo rằng họ đã đến vườn rau trong bức ảnh đăng tải và bị sốc khi phát hiện 27 con cóc mía ở ngay gần đó.

"Tôi cảm thấy lo lắng vì đây là trường hợp không dễ để giải quyết. Chúng tôi đã thông báo cho người dân địa phương và vận động mọi người tìm kiếm, đồng thời lưu ý sự hiện diện của những con non cho thấy cóc mía bắt đầu sinh sản", Yang nói với AFP.

Yang cho biết thêm rằng nông dân Đài Loan có thể đã thấy cóc mía từ lâu nhưng không chú ý tới. "Họ thường bỏ qua vì những con cóc giúp loại bỏ sâu bệnh và cũng là một biểu tượng may mắn. Họ không thể ngờ đây là một loài xâm lấn đến từ vùng đất xa lạ", nhà nghiên cứu giải thích.

Đến nay, hơn 200 con có mía với đủ kích cỡ đã bị bắt ở Đài Loan và đưa về nuôi tại Viện nghiên cứu các loài đặc hữu.

Cóc mía (Rhinella marina) nằm trong danh sách "100 loài ngoại lai xâm lấn" trên thế giới do nhóm chuyên gia quốc tế về các loài xâm lấn (ISSG) biên soạn. Tên gọi của chúng bắt nguồn từ việc các con vật thích sống tại các đồn điền trồng mía để kiếm ăn. Loài này khi trưởng thành đạt chiều dài trung bình 10 - 15 cm. Mẫu vật lớn nhất được ghi nhận dài tới 24 cm.

Cập nhật: 08/12/2021 Theo VnExpress
  • 508