Các nhà khảo cổ phát hiện nhiều ngôi mộ tại Nga được xây dựng từ những khối đá xếp chồng lên nhau một cách chính xác.
Theo Ancient Origins, vùng núi Caucasus gần các thành phố Tzelentzchik, Touapse, Novorossiysk và Sochi của Nga có khoảng 3.000 di tích mộ cự thạch. Đây là những ngôi mộ đá có niên đại từ 10.000 đến 25.000 năm trước.
Một số ngôi mộ đá ở vùng núi Caucasus, Nga. (Ảnh: Ancient Origins).
Những ngôi mộ đá nằm ở cả hai bên dãy núi thuộc khu vực phía tây Caucasus, bao phủ diện tích 12.000km2 của Nga và Abkhazia. Chúng đại diện cho kiến trúc độc đáo từ thời tiền sử, bao gồm nhiều khối đá xếp chồng lên nhau một cách chính xác.
Một trong những khu cự thạch thú vị nhất là ba nhóm mộ đá nằm thẳng hàng trên cùng ngọn đồi tại khu vực Krasnodar gần Gelendzhik, Nga.
Các mộ đá Caucasian có cấu trúc hình chữ nhật. Cánh cửa ở phía trước được khoét một lỗ hình tròn. Phía trước mặt ngôi mộ là khoảng sân rộng, có thể dùng để tổ chức nghi lễ. Hình trang trí trên ngôi mộ không lớn, chủ yếu là đường zigzag, hình tam giác và đường tròn đồng tâm. Nhiều ngôi mộ đang ở tình trạng bị phá hủy và hư hỏng nặng do không được bảo vệ.
Tại khu vực khảo cổ, các nhà khoa học phát hiện nhiều đồ gốm từ thời Đồ đồng và Đồ sắt cùng với hài cốt người, công cụ bằng đồng, đồ trang sức vàng, bạc, đá bán quý.
Những ngôi mộ đá Caucasian có nhiều điểm tương đồng với các công trình kiến trúc cự thạch khác ở châu Âu và châu Á như trên bán đảo Iberia, Pháp, Anh, Ireland, Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Israel, Ấn Độ.