Nga hé lộ lịch trình xây dựng trạm vũ trụ mới

  •  
  • 136

Module đầu tiên của Trạm Dịch vụ Quỹ đạo Nga (ROSS), quay quanh Trái đất ở độ cao khoảng 400km, dự kiến phóng lên quỹ đạo năm 2027.

Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos hé lộ thêm chi tiết về nhiệm vụ xây dựng trạm vũ trụ mới mang tên Trạm Dịch vụ Quỹ đạo Nga (ROSS), Space hôm 23/7 đưa tin. Module đầu tiên của trạm hình chữ X này là phòng năng lượng và nghiên cứu, dự kiến phóng lên quỹ đạo gần cực Trái đất vào năm 2027. Đến năm 2030, nó sẽ ghép nối xong với 4 module chính, hai module khác phục vụ "mục đích đặc biệt" dự kiến được gắn thêm vào năm 2033. Roscosmos sẽ đưa những phi hành gia đầu tiên lên trạm vào năm 2028. Tuy nhiên, trạm cũng có thể hoạt động mà không cần phi hành đoàn.

Mô hình trạm vũ trụ mới của Nga được trưng bày vào năm 2022 ở ngoại ô Moskva, Nga.
Mô hình trạm vũ trụ mới của Nga được trưng bày vào năm 2022 ở ngoại ô Moskva, Nga. (Ảnh: Space)

Trạm ROSS sẽ quay quanh Trái đất ở độ cao tương tự Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), cách Trái đất khoảng 400km, trong quỹ đạo gần cực, đồng bộ Mặt trời. Quỹ đạo này đặc biệt hữu ích khi quan sát toàn bộ bề mặt hành tinh, theo Roscosmos. Chi phí cho trạm ước tính khoảng 7 tỷ USD.

Lịch trình xây dựng ROSS cũng phụ thuộc vào sự thành công của tên lửa đẩy hạng nặng thế hệ tiếp theo Angara A5. Tên lửa này đã có ba chuyến bay thử nghiệm lên quỹ đạo thành công kể từ năm 2014 và một chuyến bay thất bại một phần vào năm 2021.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp xây dựng ROSS, nhưng phần lớn công việc sẽ do con người thực hiện, theo Vladimir Kozhevnikov, nhà thiết kế chính cho ROSS. "Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Chúng tôi sẽ sử dụng nó để hỗ trợ, nhưng về cơ bản, tất nhiên chúng tôi vẫn sử dụng bộ não của mình", Kozhevnikov nói.

Một nhà thiết kế chính khác, Vladimir Solovyov từ công ty tên lửa vũ trụ Energia, cho biết ROSS sẽ có những mục tiêu "khác thường". "Chúng tôi sẽ đặt ra những mục tiêu hoàn toàn mới, hoàn toàn khác thường với các tàu vũ trụ của Nga và nước khác, ví dụ như cung cấp chỉ dẫn cho một đội vệ tinh trực tiếp từ trạm", Solovyov nói. Đội vệ tinh này sẽ bay gần trạm vũ trụ.

Nga là thành viên chính của ISS kể từ khi trạm vũ trụ này phóng lên không gian cùng với NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA). Trạm ISS dự kiến nghỉ hưu vào khoảng năm 2030, nhưng Nga có thể rút khỏi trạm sớm hơn vài năm. Với trạm vũ trụ mới, Nga đang cân nhắc hợp tác với Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và một số quốc gia châu Phi khác.

Cập nhật: 24/07/2024 VnExpress
  • 136