Phát hiện 4 loài giun biển có vảy ánh kim

  •  
  • 261

Các sinh vật dưới đáy biển sâu được phát hiện bằng tàu ngầm và thiết bị lặn điều khiển từ xa của Đại học California San Diego, Mỹ (UCSD).

Nhóm nghiên cứu tìm thấy bốn loài giun mới ở độ sâu hơn 900 m so với mực nước biển, bên dưới đáy vịnh Mexico và một phần của Đông Thái Bình Dương, bao gồm hẻm núi Monterey, vịnh California và Costa Rica, theo một công bố trên tạp chí ZooKeys.

Cả bốn loài đều có vảy ánh kim và thuộc chi Peinaleopolynoe. Thuật ngữ này tạo thành phần đầu tiên trong tên gọi của chúng, cụ thể là P. orphanae, P. mineoi , P. elvisi và P. goffrediae. Trong khi P. orphanae được tìm thấy tại một lỗ thông thủy nhiệt, ba loài còn lại được phát hiện xung quanh xác cá voi chìm dưới đáy đại dương.

Bốn loài giun biển mới thuộc chi Peinaleopolynoe.
Bốn loài giun biển mới thuộc chi Peinaleopolynoe. (Ảnh: UCSD).

Các nhà thám hiểm thậm chí còn ghi lại được một cảnh chiến đấu giữa hai con P. orphanae bằng thiết bị lặn SuBastian. Thước phim này giải thích tại sao nhiều chiếc vảy của chúng bị phá hủy nghiêm trọng. Trong cuộc giao chiến, các con vật thực sự đã cắn vảy của nhau, theo trưởng nhóm nghiên cứu Avery Hatch, nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu Scripps thuộc UCSD.

"Đại dương vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn chờ chúng ta khám phá. Hơn một triệu loài chưa được mô tả có thể tồn tại dưới môi trường biển sâu rộng lớn", Hatch nhấn mạnh.

Peinaleopolynoe đã tiến hóa để thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt, nơi không có ánh sáng, nước lạnh và áp lực cao. Sự tồn tại của chúng tạo thành một mắt xích thiết yếu trong chuỗi thức ăn đại dương. Nhóm giun biển này là con mồi của mực, rùa và nhiều loài cá thương mại quan trọng như cá ngừ, cá hồi.

Cập nhật: 16/05/2020 Theo VnExpress
  • 261