Phát hiện "ma cà rồng" 65 triệu tuổi vùi giữa sa mạc Mông Cổ

  •  
  • 1.334

Một con khủng long độc nhất vô nhị, 65 triệu tuổi chuyên săn mồi trong bóng tối hoàn toàn như ma cà rồng, đã được xác định sau 20 năm tranh cãi.

Sinh vật kỷ Phấn Trắng được đặt tên là Shuvuuia Desti, là một thành viên của nhóm khủng long chân thú, tức "bà con" với khủng long bạo chúa T-rex. Tên của sinh vật được lấy từ tên sa mạc Shuvuuia của Mông Cổ, nơi hài cốt của nó được khai quật với phần hộp sọ được bảo quản tuyệt vời.

Các mẫu vật được phân tích tại phòng thí nghiệm
Các mẫu vật được phân tích tại phòng thí nghiệm - (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).

Theo bài công bố trên Science, con khủng long này trong y hệt… một con chim thời hiện đại, chỉ to bằng con gà, nhưng có "thị giác tuyệt vời và thính giác như cú". Nó là một trong những con khủng long hiếm hoi trên Trái đất sở hữu khả năng săn mồi trong bóng đêm dày đặc vùng sa mạc.

Chân dung "ma cà rồng" kỷ Phấn Trắng
Chân dung "ma cà rồng" kỷ Phấn Trắng - (Ảnh: Viktor Rademaker).

Trong khi các động vật khác đều chìm vào giấc ngủ, "ma cà rồng" kỷ Phấn Trắng này sẽ dùng đôi chân dài, khỏe để hạ gục con mồi sau khi định vị nó bằng ánh mắt "xuyên màn đêm. Đôi chân này cũng dễ dàng cạy con mồi ra khỏi hang, thảm thực vật hay cây bụi.

Một hộp sọ khi được tìm thấy ở sa mạc
Một hộp sọ khi được tìm thấy ở sa mạc - (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).

Tờ Daily Mail dẫn lời giáo sư Jonah Choiniere từ Đại học Witwatersrand ở Johannesburg (Nam Phi): "Hoạt động về đêm, khả năng đào bới và chi sau dài đều là những đặc điểm của động vật sống trên sa mạc ngày nay. Nhưng thật ngạc nhiên khi thấy tất cả chúng kết hợp lại thành một loài khủng long duy nhất sống cách đây hơn 65 triệu năm".

Họ cũng sử dụng kỹ thuật CT scan và nhiều phép đo chi tiết để thu thập thông tin về kích thước tương đối của mắt và tai trong của gần 100 loài chim sống và khủng long đã tuyệt chủng, bao gồm cả Shuvuuia Desti, từ đó mô tả lại khả năng nhìn và nghe "khủng khiếp" của sinh vật này. Các tác giả nhấn mạnh "ma cà rồng" này có thể nhìn rõ ngay cả trong bóng tối đen đặc hoàn toàn.

Đồng tác giả - tiến sĩ James Neenan từ Đại học Oxford (Anh) – khẳng định thị giác và thính giác của nó phải tốt hơn cả loài cú.

Con khủng long "ma cà rồng" và giống chim này đã được tìm thấy cách đây 20 năm, trải qua nhiều cuộc tranh cãi trước khi được nghiên cứu này phân loại và đặt tên chính thức.

Cập nhật: 08/05/2021 Theo NLĐ
  • 1.334