Phát hiện rìu đồng, rìu đá 2.000-3.000 tuổi ở Nghệ An

  •  
  • 1.267

Trong lúc làm rãnh nước về cho ruộng lúa gia đình mình, một người dân ở huyện Quỳ Châu, Nghệ An phát hiện rìu đồng, rìu đá có niên đại từ 2.000-3.000 năm trước.

Ngày 7/9, thông tin từ Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết bảo tàng này đã tiếp nhận hai chiếc rìu đồng và rìu đá được cho là có niên đại từ 2.000-3.000 năm trước từ gia đình anh Trần Quốc Kiên, ngụ bản Chiềng Ban, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu.

Theo lời kể của Kiên, tháng 5/2012, anh đi khai hoang, mở rãnh nước từ sông Quàng về ruộng nhà mình thì phát hiện chiếc rìu đồng và rìu đá ở dưới lòng đất.

Chiếc rìu đồng và rìu đá được anh Kiên phát hiện
Chiếc rìu đồng và rìu đá được anh Kiên bàn giao cho Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu, Nghệ An - (Ảnh: KẾ KIÊN).

Thấy hai chiếc rìu đẹp, lạ nên anh đem về để trong tủ bà con trong bản đến xem. Một số người buôn đồ cổ hay tin cũng đến nhà anh Kiên hỏi mua nhưng anh không bán.

Sau hơn 5 năm cất giữ, anh Kiên quyết định đưa bàn giao hai chiếc rìu này cho Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu lưu giữ để giới thiệu đến khách tham quan.

Chiếc rìu đồng hình lưỡi xéo, màu xanh rêu, có chiều dài toàn thân từ đốc tới lưỡi là 9,2cm; lưỡi rộng 7,5cm.

Rìu được làm tinh xảo, có họng tra cán để cầm dài 5,2cm, tiết diện ngang hình bầu dục. Phía trước rìu có cán hình tròn, bao quanh bề mặt rìu xuất hiện nhiều vệt vân đá theo hình xoắn…

Còn chiếc rìu đá có màu vàng xám, vai, đốc hình thang. Rìu được mài nhẵn lưỡi mài sắc, dài 5cm, lưỡi rộng 3cm, dày 1,5cm.

"Căn cứ hình dáng, chất liệu thì chiếc rìu đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, thời đại đá mới, cách đây khoảng 2.000 đến 3.000 năm. Còn chiếc rìu đá thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới.

Để đánh giá đúng giá trị khoa học của hai hiện vật nói trên cần có sự nghiên cứu, xác minh của các nhà khoa học để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của hiện vật", Thái Thị Hồng - cán bộ Bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu, cho biết.

Cập nhật: 08/09/2017 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.267