"Quay lưng" với Nga, Trung Quốc bắt tay một nước Đông Nam Á lên Mặt trăng

  •  
  • 4.968

Quốc gia ở Đông Nam Á này là một trong số ít quốc gia mà Trung Quốc đồng ý hợp tác cho dự án khổng lồ trên Mặt trăng.

Trung Quốc - Thái Lan hợp tác trong Chang'e-7

Theo tin tức khoa học vũ trụ mới nhất từ SCMP và NARIT, Trung Quốc và Thái Lan sẽ hợp tác với nhau trong sứ mệnh Mặt trăng Chang'e-7 dự kiến phóng năm 2026.

Cụ thể, Thái Lan sẽ đồng hành cùng sứ mệnh Chang'e-7 của Trung Quốc thông qua việc đưa công cụ khoa học để nghiên cứu thời tiết không gian và tia vũ trụ lên tàu Chang'e-7 nhằm đo thời tiết Mặt trăng.

 Mặt trăng là đích đến đầy tham vọng của Trung Quốc.
Mặt trăng là đích đến đầy tham vọng của Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock).

Thiết bị có tên Gói cảm biến Trung-Thái theo dõi thời tiết không gian của Viện nghiên cứu Thiên văn Quốc gia Thái Lan (NARIT) là một trong 7 công cụ quốc tế được chọn để bay cùng sứ mệnh Chang'e-7 năm 2026.

Hiện thiết bị này đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật - Tiến sĩ Peerapong Torteeka, giám đốc dự án cho biết.

Tiến sĩ Peerapong Torteeka cho biết thiết bị nặng 3 kg này sẽ chứa một cảm biến từ tính hướng xuống Mặt trăng để theo dõi từ trường và gửi cảnh báo tới Trái đất trong các sự kiện thời tiết không gian như bão Mặt trời.

Một cảm biến khác hướng lên trên sẽ nghiên cứu các tia vũ trụ năng lượng thấp trong các dải năng lượng chưa từng được theo dõi liên tục trước đây.

"Năm 2022, khi Trung Quốc đưa ra đề xuất về công cụ quốc tế tích hợp cho Chang'e-7, chúng tôi đã quyết định sẽ mang công cụ khoa học của Thái Lan lên tàu quỹ đạo Mặt trăng vì chúng tôi có ít kinh nghiệm về cách mọi thứ hoạt động trên bề mặt Mặt trăng", ông Peerapong Torteeka cho biết.

Gói cảm biến Trung-Thái theo dõi thời tiết không gian
Gói cảm biến Trung-Thái theo dõi thời tiết không gian của Thái Lan sẽ được tích hợp trên tàu quỹ đạo thuộc Chang'e-7 của Trung Quốc. (Ảnh: CNS).

Vài tháng sau, ông cho biết nhóm nghiên cứu rất phấn khích - và hơi ngạc nhiên - khi biết rằng đề xuất của họ đứng thứ hai trong cuộc tuyển chọn sơ bộ do Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) tiến hành.

Giờ đây, Peerapong Torteeka và các đồng nghiệp của ông từ NARIT, Đại học Chiang Mai và Đại học Mahidol ở Bangkok đang hợp tác với các đối tác Trung Quốc từ Trung tâm Khoa học Vũ trụ Quốc gia ở Bắc Kinh, cùng với những đối tác khác, để tinh chỉnh thiết kế chi tiết và các công nghệ chính của thiết bị.

Ông Peerapong Torteeka, người đã dành 6 năm ở Bắc Kinh để lấy bằng Tiến sĩ về kỹ thuật vũ trụ, cho biết kế hoạch là cuối năm 2024, thiết bị này sẽ được chuyển đến Trung Quốc để lắp ráp và thử nghiệm kịp thời trước khi phóng tàu Chang'e-7 chính thức năm 2026.

Du khách xem mô hình tàu thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc
Du khách xem mô hình tàu thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc tại triển lãm thành tựu về khoa học vũ trụ và biển sâu ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, vào tháng 5/2021. (Ảnh: Xinhua).

CNSA cho biết, Chang'e-7 bao gồm một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ, tàu thám hiểm, một máy bay thăm dò nhỏ và một vệ tinh chuyển tiếp, đồng thời sẽ mang theo hơn 10 thiết bị do các nhà khoa học Trung Quốc chế tạo.

Theo dữ liệu của NASA, Chang'e-7 do Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc (CNSA) triển khai nhằm thực hiện 4 nhiệm vụ:

  • 1. Thu thập thông tin về cấu trúc vòng trong của Mặt trăng, các thành phần khoáng chất/nguyên tố, điện trường và từ trường, dòng nhiệt và trường hấp dẫn;
  • 2. Nghiên cứu sự phân bố và nguồn nước cũng như chất bay hơi trên Mặt trăng, đồng thời xác nhận trực tiếp sự hiện diện và nguồn băng nước trên Mặt trăng;
  • 3. Chụp ảnh các hạt trung hòa mang năng lượng trong đuôi từ của Trái đất với độ phân giải không gian, thời gian và năng lượng cao;
  • 4. Nghiên cứu môi trường Mặt trăng, bao gồm từ trường bề mặt, bụi Mặt trăng và bức xạ để làm sáng tỏ nguyên nhân gây ra dị thường từ bề mặt.

Trung Quốc kêu gọi đối tác quốc tế tham gia ILRS

Tháng 11/2022, với mong muốn mở rộng hợp tác quốc tế, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã đưa ra lời kêu gọi các đối tác không gian hợp tác, mang theo trọng tải quốc tế trong sứ mệnh tới cực Nam của Mặt trăng (Chang'e-7), bao gồm tới 15 kg thiết bị trên tàu quỹ đạo và 10 kg trên tàu đổ bộ.

Theo Science and Technology Daily, đến tháng 4/2023, 18 đề xuất từ 11 quốc gia đã được nhận.

Trong danh sách mà tờSCMPcó được, 7 đề xuất trong số đó đã vượt qua lựa chọn sơ bộ và hiện đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật.

Chúng bao gồm một máy chụp ảnh siêu phổ cho nước đá và vật liệu bề mặt Mặt trăng; máy dò bụi và điện trường Mặt trăng; kính viễn vọng trên Mặt trăng và các thiết bị phân tích các ion âm trên Mặt trăng khác.

Các đề xuất đến từ các tổ chức nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ ở châu Á, Trung Đông, châu Âu và Bắc Mỹ.

Với mục tiêu phóng vào năm 2026, Chang'e-7 sẽ mở đường cho việc xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS), một căn cứ được Trung Quốc và các đối tác quốc tế xây dựng trên Mặt trăng để khám phá khoa học và sử dụng tài nguyên vào những năm 2030.

Được thành lập vào năm 2004, Viện nghiên cứu Thiên văn Quốc gia Thái Lan (NARIT) là tổ chức nghiên cứu vũ trụ lớn nhất ở Thái Lan.

Dự kiến, Kính viễn vọng Vô tuyến Quốc gia Thái Lan ở Chiang Mai do NARIT vận hành có thể được sử dụng để theo dõi quỹ đạo của tàu vũ trụ trong quá trình thực hiện các sứ mệnh xây dựng ILRS.

Tháng 9/2023, Thái Lan đã chính thức tham gia dự án ILRS do Trung Quốc dẫn đầu, sau khi phái đoàn NARIT và Phòng thí nghiệm thám hiểm không gian sâu (DSEL) thuộc CNSA ký biên bản ghi nhớ về Chang'e-7 và hợp tác liên quan đến ILRS tại Bắc Kinh vào ngày 25/9/2023.

Nam Phi và Azerbaijan cũng trở thành đối tác của dự án ILRS trong những tuần gần đây.

Tóm tắt sứ mệnh Chang'e-5 của Trung Quốc năm 2020.
Tóm tắt sứ mệnh Chang'e-5 của Trung Quốc năm 2020. (Ảnh: VCG).

Dự án xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) từng được Trung Quốc và Nga cùng nhau khởi xướng.

Tuy nhiên, tại Đại hội Hàng không Quốc tế (IAC) có hơn 5.000 đại biểu tham dự, diễn ra hồi đầu tháng 10/2023 tại thủ đô Baku của Azerbaijan, một quan chức cấp cao của Trung Quốc không hề nhắc đến các sứ mệnh tiền đề của Nga để xây dựng ILRS [gồm các sứ mệnh Luna-25, Luna-26, 27 và 28 của Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos].

Một số nhà quan sát vũ trụ cho rằng, Trung Quốc "quay lưng" lại với Nga sau loạt thất bại và sự cố kỹ thuật của nước này, từ sứ mệnh Mặt trăng Luna-25 đến các vụ rò rỉ chất làm mát của tàu vũ trụ.

Số khác lạc quan cho biết, mối quan hệ Nga-Trung trong không gian vẫn quan trọng. Và rằng, động thái của Trung Quốc tại Đại hội IAC chỉ nhằm thuyết phục các quốc gia đối tác khác tham gia ILRS sâu rộng hơn.

Tại IAC, Phó giám đốc thiết kế Chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc trình bày chi tiết các sứ mệnh của Chang'e 6, 7 và 8.

Sứ mệnh gần đây nhất, Chang'e-5, đã hạ cánh xuống Mặt trăng vào tháng 12/2020 và nhanh chóng gửi 1,7 kg đá và đất Mặt trăng trở lại Trái đất. Chúng là những mẫu đầu tiên được trả về từ Mặt trăng sau khoảng 44 năm, CNSA thông tin.

Trong bối cảnh liên quan, cũng vào tháng 9/2023, Đức là quốc gia thứ 29 ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu. Artemis của NASA/Mỹ là một dự án song song với ILRS của Trung Quốc nhằm đưa con người đến và xây dựng căn cứ trên Mặt trăng.

Cập nhật: 19/10/2024 Báo Giao Thông
  • 4.968