Cây leo hồ đằng bốn cánh hay còn gọi là chìa vôi bốn cạnh được cho là có thể chữa bệnh viêm khớp, béo phì, giảm mỡ máu. Thực hư là gì?
Hồ đằng bốn cánh (chìa vôi bốn cạnh - tên khoa học là Cissus quadrangularis) đã được ứng dụng làm thuốc trong nhiều thế kỷ. Loại cây này chủ yếu mọc ở vùng khí hậu nhiệt đới và là một phần của họ cây nho (Vitaceae). Mặc dù nhiều bộ phận của cây hồ đằng bốn cánh cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng thực vật nhưng thân cây được cho là đặc biệt có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Các hợp chất có hoạt tính sinh học được tìm thấy trong cây chìa vôi bốn cạnh bao gồm flavonoid, phenol, tannin, sterol thực vật (bao gồm beta-sitosterol) và resveratrol. Ngoài ra, loại cây leo này cũng là nguồn cung cấp canxi, phốt pho, vitamin A, vitamin C cùng nhiều chất dinh dưỡng khác.
Dưới đây là những nội dung liên quan tới tác dụng của cây hồ đằng bốn cạnh đối với sức khỏe cũng như những lợi ích tiềm năng, tác dụng phụ và cách dùng chìa vôi bốn cạnh chữa bệnh dựa trên các nghiên cứu khoa học.
Ngày nay các chất chiết xuất từ lá, rễ và thân cây hồ đằng bốn cạnh được bán rộng rãi dưới dạng thảo dược bổ sung dạng bột, viên nang hoặc xi rô. Mặc dù có nhiều thông tin liên quan tới tác dụng của cây hồ đằng bốn cạnh trong điều trị các tình trạng sức khỏe như gout, hen suyễn,... nhưng chỉ một số ít trong đó được các nghiên cứu khoa học chỉ ra. Cụ thể:
Các nghiên cứu trên động vật và con người đã phát hiện ra rằng cây hồ đằng bốn cánh có thể giúp giảm mất xương, tăng tốc độ chữa lành vết thương do xương gãy và ngăn ngừa loãng xương.
Hình ảnh cây hồ đằng bốn cánh. (Ảnh: ST).
Theo Healthline, một nghiên cứu ở 9 người dùng 500mg chiết xuất cây hồ đằng bốn cạnh 3 lần mỗi ngày liên tục trong 6 tuần đã giúp tăng tốc độ chữa lành xương bị gãy, bao gồm cả hỗ trợ giảm đau và giảm sưng.
Một nghiên cứu kéo dài 3 tháng ở 60 người cũng cho thấy dùng liều 1.200mg cây hồ đằng bốn cánh mỗi ngày giúp thúc đẩy quá trình lành xương bị gãy cũng như tăng mức độ protein cụ thể cần thiết cho việc hình thành xương mới.
Theo nghiên cứu năm 2023 đăng tải trên MDPI cho thấy cây hồ đằng bốn cạnh có tác dụng ức chế hoạt động của các hủy cốt bào (osteoclasts - là tế bào đa nhân (6 - 12 nhân), xuất nguồn từ tế bào gốc thuộc dòng mônô bào - bạch cầu hạt của tủy tạo huyết, có khả năng sản xuất các enzym tiêu hủy chất nền xương).
Nguy cơ loãng xương cũng tăng lên ở phụ nữ sau mãn kinh nên một số nhà nghiên cứu đã đưa cây hồ đằng bốn cạnh như một phương pháp phòng ngừa khả thi. Cụ thể, hơn 100 phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương hoặc có yếu tố loãng xương sử dụng 1,2 gam - 1,6 gam giả dược hoặc cây hồ đằng bốn cánh mỗi ngày sau 24 tuần. Kết quả cho thấy cả hai liều dùng đều làm chậm quá trình mất xương. Tuy nhiên, đáng chú ý là mật độ khoáng xương không cải thiện đáng kể ở cả hai nhóm.
Một số thử nghiệm khác trên người cũng cho thấy cây chìa vôi bốn cạnh có thể góp phần điều trị loãng xương nhưng chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu trên các quần thể người lớn hơn và đa dạng nhóm nghiên cứu hơn trước khi kết luận.
Theo Healthline, cây hồ đằng bốn cánh được chứng minh là giúp giảm đau khớp và các triệu chứng viêm khớp, viêm khớp dạng thấp - một tình trạng đặc trưng bởi các khớp bị sưng đau và tê cứng nhờ tác dụng của các hoạt chất sinh học bao gồm flavonoid, triterpenoid và chất hoạt động tương tự như steroid đồng hóa (bản thân hồ đằng bốn cánh không phải là một steroid) có tác dụng chống viêm, giảm đau và chống oxy hóa.
Một nghiên cứu năm 2013 trên NCBI thực hiện trên 29 nam giới bị đau khớp mãn tính dùng 3.200 mg cây hồ đằng bốn cánh mỗi ngày trong 8 tuần. Kết quả cho thấy nhóm này đã giảm đáng kể cơn đau khớp do tập thể dục.
Theo VeryWell Health, trong một nghiên cứu trên động vật thì hồ đằng bốn cạnh có thể giúp giảm mức độ một dấu hiệu sinh học gây viêm thường tăng cao ở người bị viêm khớp gọi là yếu tố hoại tử khối u alpha (tumor necrosis factor - alpha viết tắt là TNF-alpha).
Tuy nhiên các nghiên cứu này vẫn còn hạn chế và chúng ta chưa thể kết luận được ngay rằng uống hồ đằng bốn cánh giúp chữa viêm khớp hay chữa các bệnh đau khớp. Vì thế với câu hỏi chìa vôi bốn cạnh chữa viêm khớp được không thì câu trả lời là chưa được chứng minh.
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường. Các vấn đề này bao gồm dư thừa mỡ vòng 2, huyết áp cao, đường trong máu cao, tăng mức cholesterol hoặc chất béo trung tính.
Cây hồ đằng bốn cánh có nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng. (Ảnh: ST).
Theo Healthline, trong một nghiên cứu kéo dài 8 tuần trên 123 người tham gia uống 1.028 mng cây chìa vôi bốn cạnh mỗi ngày kèm theo các chất bổ sung bao gồm trà xanh, selen và crom. Kết quả cho thấy những người tham gia có sự thay đổi đáng kể về trọng lượng và mỡ bụng, cải thiện lượng đường trong máu lúc đói, giảm chất béo trung tính, giảm nồng độ cholesterol toàn phần và cholesterol xấu.
Tuy nhiên, ở một nghiên cứu tổng hợp phân tích 9 nghiên cứu về tác dụng của cây hồ đằng bốn cánh với hội chứng chuyển hóa thì cho thấy, loại cây này chỉ giúp thúc đẩy hiệu quả giảm cân nếu sử dụng kèm theo các chất bổ sung khác chứ không phải khi uống đơn lẻ.
Chính vì do thiếu các nghiên cứu lớn nên vẫn chưa khẳng định được tác dụng của hồ đằng bốn cánh với hội chứng chuyển hóa, cụ thể là trong ngăn ngừa hoặc điều trị hay không.
Nhiều nghiên cứu cho thấy cây hồ đằng bốn cánh khá an toàn khi sử dụng và có rất ít báo cáo về tác dụng phụ có thể xảy ra. Tuy vậy thì một số ít người đã gặp phải tác dụng phụ, bao gồm:
Đầy hơi
Trong đó nhức đầu và đầy hơi là hai tác dụng phụ được báo cáo phổ biến nhất khi sử dụng cây hồ đằng bốn cánh. Đặc biệt là khi dùng với liều nặng hơn.
Vậy phụ nữ mang thai dùng cây chìa vôi bốn cạnh được không? Cả phụ nữ mang thai và đang cho con bú đều không nên dùng chìa vôi bốn cạnh, ít nhất là cho tới khi có thêm thông tin chứng minh được công nhận là nó an toàn cho nhóm đối tượng này.
Về tương tác thuốc, không có bằng chứng chắc chắn về sự tương tác của cây hồ đằng bốn cánh với thuốc, nhưng sự tương tác vẫn có thể tồn tại. Chẳng hạn, do tác dụng hạ đường huyết tiềm ẩn của hồ đằng bốn cánh mà nó có thể tương tác với các loại thuốc khác thường dùng trong điều trị bệnh tiểu đường hoặc thuốc tăng đường huyết khiến lượng đường trong máu xuống tới cực thấp.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là rủi ro này vẫn chưa được báo cáo hoặc đưa ra một cách chính thức. Vì thế mà điều quan trọng là nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng bất kì chất bổ sung nào, đặc biệt là khi bạn đang điều trị các bệnh lý mãn tính.
Chỉ sử dụng hồ đằng bốn cánh khi có chỉ định từ bác sĩ. (Ảnh: ST).
Theo Healthline, không có liều lượng khuyến cáo chính thức cho hồ đằng bốn cánh. Hầu hết các chất bổ sung từ cây leo này đều ở dạng bột, viên nang hoặc xi-rô được bán rộng rãi tại các cửa hàng và hiệu thuốc với liều khuyến nghị từ 500 - 1.000mg mỗi ngày.
Các nghiên cứu trên NCBI năm 2021 thì liều 300mg - 3.200mg mỗi ngày có thể mang lại lợi ích. Tuy vậy, bạn nên bắt đầu dùng với liều thấp hơn và tăng dần liều để đánh giá tình trạng cũng như hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Theo VeryWell Health, một số nghiên cứu nhỏ đã tìm thấy mối liên hệ tiềm năng giữa hồ đằng bốn cánh với việc giảm cân. Trong một nghiên cứu, những người tham gia được phân loại là mắc bệnh béo phì đã dùng giả dược hoặc 300mg chiết xuất thân và lá hồ đằng bốn cánh mỗi ngày trong 8 tuần.
So với nhóm dùng giả dược thì nhóm này đã có sự thay đổi cân nặng đáng kể hơn. Nhưng chưa có đủ dữ liệu kết luận về việc dùng hồ đằng bốn cánh giúp giảm cân hiệu quả cũng như liều lượng cần thiết để đạt được mục đích. Điều bạn cần nhớ là không có chất bổ sung nào có thể giúp bạn giảm cân lâu dài và lành mạnh.
Không có bằng chứng và nghiên cứu nào ủng hộ việc chiết xuất hồ đằng bốn cánh có thể tăng cường lượng testosterone ở nam giới.
Trên đây là những thông tin liên quan tới tác dụng của hồ đằng bốn cánh hay còn gọi là cây chìa vôi bốn cạnh. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh không nên tự ý bổ sung hay sử dụng mà chưa tham vấn ý kiến của thầy thuốc hoặc bác sĩ chuyên khoa.