Trăn Anaconda có thực sự ăn thịt người như trên phim không?

  •  
  • 6.509

Trăn Anaconda trong phim được khắc họa hình tượng là một quái vật khát máu, thèm thịt người. Nhưng còn thực tế thì sao?

Các bộ phim của Hollywood đã khắc họa hình tượng của trăn Anaconda là một quái vật khổng lồ và khát máu. Bất chấp hình thể to lớn, chúng hành động như những ninja đích thực - lén lút và chuẩn xác - lại sẵn sàng tấn công con người bất kể lúc nào.

Nhưng đó là trong phim, còn ngoài đời thì sao? Liệu Anaconda có phải là một sinh vật đáng sợ đến như vậy không, và thịt người đối với Anaconda có phải một món ăn ưa thích?

Anaconda chắc chắn sẽ nuốt trọn con người...

Trước tiên, chúng ta cần biết rằng Anaconda chỉ là một cái tên chung cho một phân loài gồm 4 loại khác nhau.

Trong số này, chỉ có trăn Anaconda xanh Nam Mỹ mới xứng đáng với cái tên "trăn khổng lồ", khi sở hữu cơ thể dài trung bình 8 - 9m, đường kính trên 30cm và cân nặng ít nhất là 250kg. Thậm chí, người ta đã từng tìm thấy những con trăn nặng tới gần 500kg, như trường hợp năm 2016 tại Brazil.

Con trăn Medusa được tìm thấy tại Nam Mỹ vào năm 2016.
Con trăn Medusa được tìm thấy tại Nam Mỹ vào năm 2016.

Các loài Anaconda bình thường khác - như trăn bolivia hoặc trăn vàng Nam Mỹ chỉ nặng khoảng 55kg, dài 3 - 5m. Chúng sẽ chỉ ăn được những con mồi tầm trung, còn nếu ăn người thì hơi quá sức.

Nhưng với Anaconda xanh thì khác. Chúng có thể tấn công những con mồi tương đối ngoại cỡ - như bò hoặc cá sấu. Sở hữu hình thể to lớn cùng khối lượng cơ bắp khổng lồ, chúng sẽ nhanh chóng siết chặt mồi, vặn nát từng khớp xương, và rồi nuốt trọn.

Trăn Anaconda xanh.
Trăn Anaconda xanh.

Theo như lý thuyết, một bữa ăn của Anaconda xanh trung bình rơi vào khoảng 30% tổng trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, trong một số tình huống, chúng vẫn tiêu hóa được con mồi cỡ khoảng 75-100% khối lượng cơ thể.

Hay nói cách khác, một con người chỉ cao 1,8m, nặng 80kg chắc chắn vẫn có thể bị Anaconda nuốt trọn. Chỉ có điều...

Chúng không thường ăn những con mồi quá lớn

Với các loài trăn bình thường, ăn mồi quá lớn có thể khiến chúng vỡ bụng mà chết theo đúng nghĩa đen.

Như vào năm 2005, một con trăn đen Miến Điện tại Mỹ đã cố gắng nuốt trọn con mồi là cá sấu châu Mỹ, để rồi người ta tìm thấy xác của cả 2 trong rừng sau đó ít lâu. Lý do được lưu lại trong hồ sơ có thể tóm gọn trong hai chữ: bội thực.

Bộ hàm linh hoạt cho phép trăn nuốt mồi lớn hơn kích cỡ cơ thể.
Bộ hàm linh hoạt cho phép trăn nuốt mồi lớn hơn kích cỡ cơ thể.

Với trăn Anaconda, chúng có thể không rơi vào tình cảnh như vậy. Tuy nhiên theo tiến sĩ Jesus A. Rivas - nhà sinh thái học và là chuyên gia về Anaconda, việc cố gắng tiêu hóa mồi lớn cũng không được chúng ưu tiên. Lý do là vì Anaconda không thể thở và nuốt cùng một lúc, nên nếu phải nuốt một con mồi lớn, chúng sẽ phải ngưng thở trong một khoảng thời gian khá dài.

"Chúng không thể làm cả hai việc một lúc. Khi con mồi chui qua cổ họng, trăn anaconda buộc phải ngưng thở" - Rivas cho biết.

Hơn nữa, khi tấn công một con mồi lớn sẽ tốn nhiều thời gian và sức lực hơn, khiến cơ bắp không còn sung mãn. Nếu cộng thêm quá trình nuốt mồi quá lâu thì hoàn toàn có thể khiến một con trăn gặp phải nguy hiểm rất lớn.

Anaconda là loài tương đối nhút nhát - ít nhất là với con người.
Anaconda là loài tương đối nhút nhát - ít nhất là với con người.

Ngoài ra, thực đơn chính của Anaconda cũng là một yếu tố đáng để xem xét. Những con Anaconda to lớn nhất thường chỉ chọn hươu, nai, báo đốm, cá sấu, và... chuột lang nước. Đối với chúng, con người không phải một thực phẩm quen thuộc, nên chúng sẽ không mạo hiểm tấn công con người làm gì.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy Anaconda là loài tương đối nhút nhát - ít nhất là với con người. Điều này cũng lý giải được vì sao các vụ trăn tấn công người trên thế giới là cực kỳ hiếm, rất nhiều năm mới có một.

Tuy nhiên, chẳng điều gì là không thể xảy ra, khi chúng ta đang nói đến một trong những loài nguy hiểm nhất thế giới động vật hoang dã.

Cảnh anaconda tấn công con người trong phim cùng tên.
Cảnh anaconda tấn công con người trong phim cùng tên.

Vì vậy nếu có dịp tiếp xúc với Anaconda thì cũng đừng có dại dột mà trêu ghẹo nó, nếu không muốn "đời như phim".

Cập nhật: 21/08/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 6.509