Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Lâu đài Fontainebleau của Pháp là Di sản văn hóa thế giới năm 1981.
Lâu đài Fontainebleau nằm ở thành phố Fontainebleau của Pháp. Đây là dinh thự hoàng gia của nước Pháp từ thời vua Francois I cho tới thời Hoàng đế Napoleon III. Lâu đài Fontainebleau lưu giữ nhiều dấu ấn của các triều đại Hoàng đế của nước Pháp. Lâu đài Fontainebleau gồm hai phần kiến trúc, kiến trúc cung điện và kiến trúc công viên. Lâu đài cách thủ đô Paris khoảng 50 km về phía Nam, nằm giữa một khu rừng rộng tới 17.000 hét ta. Có thể nói đây là một kiệt tác kiến trúc kết hợp phong cách của 2 quốc gia Pháp và Ý.
Tòa lâu đài đầu tiên được xây dựng ở Fontainebleau vào năm 1137, lúc đó lâu đài chưa có quy mô lớn như bây giờ. Đến năm 1214, dưới triều đại Vua Saint Louis (1214 – 1270) lâu đài tiếp tục được xây dựng, nới rộng quy mô. Năm 1494 – 1547, dưới triều đại vua Francois, lâu đài tiếp tục được xây dựng và tân trang theo kiến trúc Phục Hưng. Để công trình có 1 vẻ tổng thể theo kiến trúc Phục Hưng, vua Francois đã cho phá hủy nhiều phần công trình cũ để xây dựng mới, chỉ duy có vọng lâu trong sân Ovale được giữ nguyên vẹn. Để lâu đài có được vẻ lộng lẫy, tráng lệ, vua Francois đã mời 1 họa sĩ người Ý là Rosso Fiorentino tới thiết kế và phụ trách xây dựng. Vì rất tâm đắc với công trình kiến trúc này, vua Francois còn đích thân thị sát, theo dõi tiến trình xây dựng và trang trí lâu đài. Trong lâu đài có 1 hành lang dài tới 60 mét, hành lang này rất nổi tiếng bởi nó được trưng bày nhiều bức họa đắt giá, nổi tiếng của thời kỳ Phục Hưng. Bên cạnh đó, phòng khiêu vũ của lâu đài cũng là niềm tự hào bởi phòng khiêu vũ có diện tích lên tới 300 mét vuông với thiết kế vô cùng lộng lẫy,xa hoa để đáp ứng các buổi yến tiệc hoàng gia.
Rất yêu thích công trình của mình, Vua Francois mong muốn biến lâu đài Fontainebleau thành nơi lưu giữ những kiệt tác thời kỳ Phục Hưng. Trong suốt nhiều năm vua Francois đã cho người đi khắp nơi sưu tầm về những tác phẩm nghệ thuật của thời Phục Hưng về trưng bày trong lâu đài. Ngoài tranh, tượng, các tác phẩm nghệ thuật được sưu tầm về từ nhiều nơi, vua Francois còn cho chế tác các tác phẩm theo phong cách Ý giai đoạn Phục Hưng. Bởi được trang trí nhiều tác phẩm nghệ thuật và các kiến trúc mang phong cách Ý nên Lâu đài Fontainebleau còn được gọi là Nouvelle Rome ( Roma mới). Cũng từ sau khi công trình lâu đài Fontainebleau hoàn thành, công trình này trở thành hình mẫu trong kiến trúc ở khắp khu vực Tây Âu.
Dưới triều đại vua Henri IV, lâu đài được mở rộng và tiếp nhận cùng một lúc gần 1000 người hầu, phục vụ. Cũng dưới triều đại này, một sân chơi của Hoàng gia đã được xây dựng trong lâu đài. Sân chơi này được xây dựng chủ yếu để phục vụ Đức Vua và những người trong Hoàng tộc với các trò chơi thể thao quyền quý. Ngay sau khi sân chơi hoàn tất, vua Henri IV tiếp tục cho đào 1 con kênh dài 1,2 km để nhà vua có thể đi thuyền dạo mát. Con kênh này về sau thường xuyên diễn ra các hoạt động dạo chơi bằng du thuyền của Hoàng gia. Vua Louis Mặt Trời dù rất yêu thích cung điện Versailles nhưng vẫn thích lâu đài Fontainebleau, vì thế vị vua nổi tiếng trong lịch sử nước Pháp này đã cho xây dựng một nhà hát Hoàng gia trong Lâu đài này để có thể thường xuyên về đây dạo chơi, nghe nhạc kịch. Vào thế kỷ thứ 17, người thợ làm vườn nổi tiếng của Pháp là Andre Le Nootre đã thiết kế khu vườn quanh lâu đài, khu vườn này hiện nay vẫn được chăm sóc và bảo quản tốt.
Trong lịch sử Pháp, thời kỳ diễn ra cách mạng Pháp, toàn bộ đồ đạc của lâu đài Fontainebleau đã bị mang đi. Lâu đài trở thành trại lính và sau đó là nhà tù. Năm 1804, hoàng đế Napoléon đã khôi phục lại vị thế của Fontainebleau khi trang bày lại đồ đạc và thường xuyên tổ chức những buổi tiệc, buổi hòa nhạc tại đây. Cũng chính tại lâu đài Fontainebleau này, hoàng đế Napoléon đã ký tuyên bố thoái vị năm 1814. Năm 1946, lâu đài Fontainebleau là nơi đã diễn ra Hội nghị Fontainebleau lịch sử. Hội nghị Fontainebleau bàn về hòa bình cho Đông Dương giữa chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời bấy giờ.