Loài khỉ có cách "buôn dưa lê" giống như người

  •  
  • 2.127

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện tập tính giao tiếp "đậm chất" con người ở loài khỉ châu Mỹ đáng yêu.

Các nhà nghiên cứu ĐH Princeton (Mỹ) vừa phát hiện ra một đặc tính độc đáo của loài khỉ Marmoset (châu Mỹ) - chúng biết giao tiếp, phân chia lượt nói với nhau để tránh chen ngang, cướp lời. Đặc tính này ở loài khỉ Marmoset đậm chất "buôn dưa lê kiểu con người": thân thiện, hòa đồng và hoạt ngôn.

Để ra được nghiên cứu này, nhà khoa học Ghazanfar và đồng nghiệp đã quan sát loài khỉ Marmoset. Qua đó, các nhà khoa học nhận thấy, chúng có thể duy trì các cuộc trò chuyện kéo dài tới 30 phút và điều này không chỉ diễn ra giữa những con vốn thân quen với nhau mà còn giữa chú khỉ xa lạ. Đặc điểm này hoàn toàn khác biệt với nhiều loài động vật như chim, cóc, dế… vốn chỉ giao tiếp trong mùa sinh sản hoặc để bảo vệ lãnh thổ.

Loài khỉ có cách "buôn dưa lê" giống như người

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã để khỉ Marmoset ngồi ở những góc phòng đối diện nhau và ngăn cách chúng bằng một rào chắn. Tấm rào chắn này khiến cho lũ khỉ không thể nhìn thấy nhau, nhưng vẫn nghe được rõ ràng âm thanh phát ra từ con đối diện.

Khi đó, khỉ Marmoset đã liên lạc với nhau bằng cách gọi “phee” - tên gọi riêng cho cách giao tiếp của Marmoset, ám chỉ một kiểu huýt sáo thật lớn và được sử dụng ở khoảng cách xa.

Khi con khỉ thứ nhất cất tiếng gọi đồng loại của mình, con khỉ khác sẽ đợi khoảng 5 giây rồi mới “trả lời”. Và nếu một con khỉ Marmoset tăng hoặc giảm tốc độ nói, các con còn lại cũng sẽ tự điều chỉnh để thống nhất trong cuộc trò chuyện. Những phát hiện trên đã khẳng định, tương tự loài người, khỉ Marmoset tuân thủ theo những luật lệ riêng trong quá trình trò chuyện.

Loài khỉ có cách "buôn dưa lê" giống như người

Trong quá trình trò chuyện, khỉ Marmoset thường trao đổi các thông tin liên quan tới giới tính, đặc điểm dễ nhận dạng của bản thân và vài nét về nhóm, đàn mình sinh sống. Chính việc trò chuyện theo lượt đã giúp cho loài khỉ này có thể lĩnh hội được các thông tin một cách đầy đủ nhất, đặc biệt là trong những khu rừng kém yên tĩnh.

Đối với khỉ Marmoset, việc “giữ thái độ lịch sự” khi trò chuyện như trên mang lại rất nhiều lợi ích. Nếu một con khỉ bị tách khỏi nhóm quen thuộc hàng ngày và tham gia vào một đàn khỉ mới, việc “giữ lượt” khi trò chuyện là rất tiện ích bởi những con khác biết con khỉ mới nhập đàn này là một kẻ biết lắng nghe, hơn là chỉ “nói nhiều”.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, cách trò chuyện theo lượt ở khỉ Marmoset có thể chính là nền móng của hình thức giao tiếp phức tạp và tinh vi chỉ xuất hiện ở con người.

Bằng cách lắng nghe và tìm hiểu những cuộc trò chuyện của loài khỉ nhỏ bé hoạt ngôn này, các nhà khoa học hi vọng có thể khám phá thêm phần nào về nguồn gốc của sự giao tiếp của con người, đồng thời khuyến khích chúng ta nên học tập khỉ Marmoset để có phong thái giao tiếp lịch sự hơn.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.127