Những bí mật bên trong lò hoá thân

  •   4,34
  • 16.504

Hiện nay do sự tăng trưởng đột ngột về mặt dân số cũng như sự phát triển của nhận thức và công nghệ, việc hỏa táng đã dần được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn còn một số thắc mắc xung quanh hình thức an táng này.

Từ trước tới nay trên thế giới tồn tại nhiều hình thức an táng khác nhau, như chôn cất theo kiểu thông thường, thủy táng (thả xác chết xuống sông/ biển), hỏa táng, thiên táng (ở Tây Tạng người ta thường mang xác chết lên núi để cho chim chóc ăn),... Trong đó, hỏa táng là một trong những hình thức hợp vệ sinh và giúp người thân tiện mang theo tro cốt của người đã mất nên hiện hỏa táng đang dần được nhiều người chấp nhận và sử dụng.

Hỏa táng là gì?

Theo Wikipedia, hỏa táng là quá trình đốt cháy, làm bay hơi và oxy hóa cơ thể đã chết để thu được các chất ở dạng cơ bản như khí, tro và các mảnh khoáng thu được sau khi làm khô xương cốt. Hỏa táng còn được coi như là một tang lễ hoặc một nghi thức sau đám tang để thay thế cho hình thức an táng khác như chôn cất xác chết nguyên vẹn trong một chiếc quan tài.

Tro cốt thu được sau hỏa táng.
Tro cốt thu được sau hỏa táng.

Tro cốt của hỏa táng vốn không chứa yếu tố gây hại cho sức khỏe sẽ được gom lại và chôn cất ở các nghĩa trang hoặc các khu tưởng niệm tập trung, thậm chí có thể được người nhà giữ lại hoặc phân tán theo nhiều hình thức khác nhau.

Ở thời hiện đại, việc hỏa táng thường được thực hiện trong lò thiêu, trừ một số ít quốc gia như Ấn Độ và Nepal chọn hình thức khác, chẳng hạn như hỏa táng ngoài trời.

Lịch sử thăng trầm của hỏa táng

Dựa theo các tài liệu khảo cổ học, hình thức hỏa táng đã bắt đầu diễn ra từ ít nhất 20.000 năm trước thông qua hồ sơ khảo cổ của một phụ nữ được đặt tên là Mungo Lady, trong đó các nhà khảo cổ đã thu được một phần cơ thể được hỏa táng sau khi khảo sát hồ Mungo ở Australia.

Ở Nepal và Ấn Độ, nhiều nơi vẫn dùng phương pháp hỏa táng truyền thống bằng củi.
Ở Nepal và Ấn Độ, nhiều nơi vẫn dùng phương pháp hỏa táng truyền thống bằng củi.

Tại Trung Đông và châu Âu, các chứng tích về hỏa táng cũng được tìm thấy trong các hồ sơ khảo cổ học ở thời kỳ đồ đá mới (từ 6000-4000 năm trước công nguyên) của nhiều bộ tộc. Dù xuyên suốt chiều dài lịch sử thì chôn cất vẫn là hình thức an táng phổ biến nhất, nhưng hình thức an táng này vẫn lặng lẽ tồn tại dưới các loại hình khác nhau cho tới bây giờ, bất chấp bị cấm đoán trong một số thế lực/giai đoạn nhất định, chẳng hạn như chính người Ai Cập đã cấm hỏa táng do họ phát triển tư duy theo hướng thần học trong thời kỳ Hỏa giáo Zoroastrian.

Cần lưu ý là có nhiều hình thức và nghi lễ hỏa táng khác nhau, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố văn hóa, thế lực chính trị, tôn giáo, nhận thức và lịch sử. Chẳng hạn như với người La Mã cổ đại, hỏa táng thường gắn liền với danh dự trong quân đội. Kỳ cục hơn, có những bộ tộc chỉ hỏa táng một số bộ phận của cơ thể. Trong khi đó, có những giai đoạn, nhiều nhà thờ còn coi hỏa táng là hình thức duy nhất để giết chết "phù thủy" và họ đã thiêu sống nhiều người bằng giáo lý này.

Người ta hỏa táng như thế nào?

Cấu tạo một buồng hỏa táng tiêu chuẩn.
Cấu tạo một buồng hỏa táng tiêu chuẩn.

Ở Mỹ và một số nước, hầu hết các dịch vụ đều bắt buộc phải sử dụng quan tài được thiết kế riêng (dạng container) dành cho hỏa táng dưới dạng thuê, trong đó có các lớp lót sẽ được thay thế sau mỗi lần sử dụng. Ngoài ra còn một lựa chọn khác là hộp các-tông đặt vừa trong một hộp gỗ giống như quan tài truyền thống.

Ở Anh cũng giống ở Đức thường hỏa táng luôn cùng với quan tài chứ không đặt trong một container như ở Mỹ. Nên bộ luật Hỏa táng của Anh có quy định rõ lớp vỏ gỗ quan tài phải là loại gỗ dễ cháy, cấm mở quan tài một khi đã được chuyển tới lò thiêu và buộc phải hỏa táng trong vòng 72 giờ. Hỏa táng xong phần thu được sẽ chuyển qua một thiết bị từ trường để loại bỏ các thành phần kim loại, sau đó phần tro cốt sẽ được chuyển cho người thân.

Hộp chứa xác.
Hộp chứa xác.

Trong thời đại hiện nay, các hộp chứa xác (container) được đặt trong một nồi chưng bằng điện và được thiêu hủy ở nhiệt độ dao động từ 760-1150 độ C. Quá trình hỏa táng này sẽ khiến phần lớn cơ thể (đặc biệt là các cơ quan nội tạng và các mô mềm) đều bốc hơi và oxy hóa ở nhiệt độ cao, trong khi phần khí thải ra sẽ được xử lý thông qua hệ thống xả. Quá trình thiêu này thường diễn ra trong vòng 90 phút tới 120 phút, với những cơ thể lớn hơn có thể mất thời gian lâu hơn.

Các đồ trang sức như dây chuyền, đồng hồ, nhẫn... thường được loại bỏ trước khi hỏa táng và gửi về gia đình. Đặc biệt, các thiết bị cấy ghép trong cơ thể đều buộc phải loại bỏ, bởi các thiết bị như máy trợ tim hay kích thích tủy sống có thể phát nổ và làm hỏng lò hỏa táng cũng như gây tổn thương cho nhân viên hỏa táng. Do vậy hầu hết các lò hỏa táng đều yêu cầu ký cam kết không chứa các thiết bị gây tổn hại trong cơ thể trước khi đưa vào hỏa táng.

Các mảnh xương đã được đốt cháy thường được người Nhật gom lại đưa vào bình đựng tro cốt thông qua một nghi lễ riêng.
Các mảnh xương đã được đốt cháy thường được người Nhật gom lại đưa vào bình đựng tro cốt thông qua một nghi lễ riêng.

Trái với những gì nhiều người tưởng tượng, gần như thứ thu được sau khi hỏa táng không phải là tro cốt thông thường, bởi sau khi đốt xong các mảnh xương khô tồn tại dưới dạng tinh thể và được đưa ra khỏi nồi chưng rồi nghiền thành bông thông qua một thiết bị gọi là Cremulator, một thiết bị xay tốc độ cao tương tự như máy sinh tố, để xử lý chúng thành "tro cốt thực sự" trước khi trao cho người thân.

Quá trình này khiến tinh thể xương cốt thu được giống như cát mịn, có thể phân tán mà không cần pha trộn. Kích thước bột thu được tùy thuộc vào các thiết bị xay Cremulator khác nhau, trọng lượng tro thu được tương ứng khoảng 1,8kg với thân thể phụ nữ và 2,7kg với nam giới trưởng thành, quá trình "xay" này diễn ra khoảng 20 phút. Tro cốt chiếm khoảng 3,5% khối lượng cơ thể so với trước khi hỏa táng (con số này ở trẻ em là 2,5%).

Tro cốt thu được sau khi hỏa táng chủ yếu là phốt-phát canxi khô và một số ít chất khoáng như muối natri và kali. Trong khi đó lưu huỳnh và carbon bị thổi bay thành khí trong quá trình oxy hóa ở nhiệt độ cao, dù có thể vẫn còn lượng nhỏ carbon tồn tại dưới dạng cacbonat.


Video mô phỏng quá trình hỏa táng.

Công nghệ hỏa táng

Khác với phương pháp đốt bằng lửa/than hoặc dầu ở một số nền văn hóa đặc thù như Ấn Độ, ở các lò thiêu hiện đại, quá trình điều chỉnh và giám sát đều được tự động hóa, các thiết bị điều khiển sẽ nhận biết khi nào quá trình hỏa táng hoàn tất và sẽ tự ngắt. Thời gian hỏa táng phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, trung bình khoảng 50kg mỗi giờ. Một lò hỏa táng được thiết kế để hỏa táng chỉ 1 cơ thể tại một thời điểm, tránh bất cứ nguy cơ nhầm lẫn cũng như các yếu tố bất lợi về tín ngưỡng/tôn giáo khác.

Hình ảnh bên trong một lò hỏa táng tiêu chuẩn ở Mỹ.
Hình ảnh bên trong một lò hỏa táng tiêu chuẩn ở Mỹ.

Buồng hỏa táng được gọi là nồi chưng và được lót bằng lớp gạch chịu nhiệt. Lớp gạch này được thiết kế với nhiều lớp, lớp ngoài cùng đơn giản là một vật liệu cách điện, tiếp đó là lớp gạch cách nhiệt chủ yếu làm bằng calcium silicate tự nhiên. Các lò hỏa táng công suất lớn thường được thiết kế với hai lớp gạch cách nhiệt bên trong. Các lớp gạch cách nhiệt này tiếp xúc với nhiệt độ cao và buộc phải thay thế định kỳ theo thời gian (thường là 4-5 năm một lần). Trong khi các quan tài hoặc các container sẽ được đưa vào nồi chưng càng nhanh càng tốt thông qua một máng trượt nhằm tránh mất nhiệt thất thoát ở cửa lò. .

Một số lò hỏa táng cho phép người thân được xem quá trình hỏa táng, tuy nhiên hầu hết đều được giữ kín vì lý do tín ngưỡng, tâm linh.

Ở một số nước tiên tiến như Mỹ đá bắt đầu sử dụng công nghệ hỏa táng bằng thủy phân kiềm, do nhãn hiệu "Resomation" độc quyền, quá trình này dùng các dung dịch kiềm nóng ở áp suất cao, cho phép phân hủy cơ thể nhanh chóng thành các hợp chất hóa học cơ bản. Quá trình này thuận lợi hơn về mặt xử lý sinh học nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến vì hiện vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ hỏa táng bằng điện.


Video minh họa một lò hỏa táng bằng chất lỏng ở áp suất cao.

Hỏa táng hiện được coi là phương pháp xử lý an táng có lợi nhất về mặt môi trường, bởi về mặt sinh học thì việc chôn cất cơ thể theo phương pháp thông thường đều tác động nhất định tới môi trường, chưa kể còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế (nhất là về diện tích chôn cất). Hiện nay các nước tiên tiến đều yêu cầu các dịch vụ hỏa táng đáp ứng các tiêu chuẩn xử lý thân thiện môi trường, bao gồm cả các thiết bị xử lý (lọc) chất thải. Phương pháp tiếp cận hiện cũng thay đổi khi người ta dần giảm sử dụng các nguyên liệu hóa thạch.

Lưu trữ tro cốt hậu hỏa táng

Đối với các nền văn hóa khác nhau, tập tục, tôn giáo, tín ngưỡng, giáo lý... khác nhau thì người ta sẽ có những phương thức bảo quản và phân tán tro cốt khác nhau.

Tro cốt được rải xuống biển theo tập tục của hải quân Mỹ
Tro cốt được rải xuống biển theo tập tục của hải quân Mỹ.

Ở Mỹ, tro cốt thu được thường được chứa trong một túi kín làm bằng nhựa polyethylene dày và đặt trong một hộp nhựa cứng hình chữ nhật rồi dán nhãn chứa thông tin người đã khuất kèm một giấy chứng nhận chính thức hỏa táng của chính quyền và đơn vị hỏa táng.

Sau khi gửi về gia đình, thường phần tro này sẽ được lưu trữ trong một chiếc bình để trong nhà hoặc trong một tòa nhà tưởng niệm (bố trí kiểu chuồng chim bồ câu với các ô tròn để bỏ bình đựng tro cốt), hoặc được chôn/rải vào lòng đất, sông biển. Thậm chí, một số dịch vụ sẽ nhận phân tán tro cốt bằng... pháo hoa hoặc bóng bay, máy bay

Một số tôn giáo sẽ cho phép các hài cốt hỏa táng được tưới hoặc cất giữ tại nhà, trong khi tại Ấn Độ người ta thường rắc tro cốt vào sông Hằng. Ở Nhật Bản và Đài Loan, tro cốt được người thân làm lễ an táng trước khi chôn/rải xuống lòng đất hoặc đưa vào các khu tưởng niệm.

Một nghĩa trang chôn các bình tro cốt thường chiếm ít diện tích hơn các phương pháp an táng khác.
Một nghĩa trang chôn các bình tro cốt thường chiếm ít diện tích hơn các phương pháp an táng khác.

Ở Việt Nam, tuy hỏa táng chưa thực sự phổ biến chủ yếu do vấn đề tư tưởng, nhiều người vẫn quan niệm về "mồ yên mả đẹp" cho người thân đã mất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc hỏa táng đang dần được quan tâm, với số lượng lò hỏa táng còn ít nên có những lúc rơi vào tình trạng... cầu nhiều hơn cung. Trong đó các dịch vụ cung cấp luôn quan tài với mức giá 2,5-5,5 triệu đồng/lượt, cộng thêm các chi phí như thiêu cốt 1 triệu đồng/lượt cùng các khoản phí lưu quan tài, bảo quản tử thi dao động từ 200-500 ngàn đồng.

Theo vnreview
  • 4,34
  • 16.504