Hàng nghìn đồng xu bạc được cất giấu cách đây khoảng 1.800 năm chưa rõ lý do, trong thời kỳ đế quốc La Mã hưng thịnh.
Các nhà khảo cổ học phát hiện hơn 5.500 đồng xu bạc chôn dưới sông khoảng 1.800 năm trước ở Augsburg, Đức, Live Science hôm 17/11 đưa tin. Khi đó, đế quốc La Mã đang ở giai đoạn phát triển đỉnh cao, đồng tiền La Mã vươn tới mọi ngóc ngách của lãnh thổ, thậm chí xa hơn.
Khoảng 5.500 đồng tiền bạc La Mã được phát hiện tại Augsburg. (Ảnh: Andreas Brücklmair).
Những đồng xu này là denarii, loại đồng bạc tiêu chuẩn được sử dụng từ thế kỷ 1 đến đầu thế kỷ 3, theo Stefan Krmnicek, giáo sư nghiên cứu tiền xu cổ tại Đại học Tubingen. Các chuyên gia tìm thấy chúng vào đầu năm nay.
Các đồng xu nằm rải rác trong một chiếc hố mới hình thành dưới lòng sông cổ nhưng đây có thể không phải vị trí ban đầu của chúng. "Nơi cất giấu có thể đã bị phá hủy sau đó vài thế kỷ do trận lũ của sông Wertach, làm tiền xu phân tán và lẫn cùng đá sỏi dưới sông", Krmnicek nhận định.
"Chúng tôi chỉ mới bắt đầu làm sạch và nghiên cứu số tiền, nhưng đến hiện tại, có vẻ đồng xu mới nhất trong đó đúc vào đầu thế kỷ 3, nên có thể chúng được chôn vào thời gian này. Chúng tôi đặt ra giả thuyết rằng chúng được chôn vào đầu thế kỷ 3 bên ngoài thành phố La Mã Augusta Vindelicum, gần đường Via Claudia Augusta", Krmnicek cho biết. Thời điểm đó, Augusta Vindelicum là thủ phủ của tỉnh La Mã Raetia.
Lý do cất giấu số đồng xu này vẫn là một bí ẩn. "Chúng tôi chưa rõ tại sao số tiền xu này bị chôn", Krmnicek nói. Ông cũng cho biết, Leo Brey, nghiên cứu sinh tại Đại học Tubingen, đang cố gắng giải mã bí ẩn này. Ngoài tiền xu, các nhà khoa học không tìm thấy hiện vật nào khác xung quanh đó.