Tìm thấy báu vật hiếm có trong hóa thạch phân khủng long

  •  
  • 1.169

Trong một nghiên cứu được công bố hôm 29/6 trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học tuyên bố đã tìm thấy một loại bọ cánh cứng có tuổi thọ lên đến 230 triệu năm. Loài này chưa từng được phát hiện trước đây.

Khoảng 230 triệu năm trước, một con Silesaurus opolensis đói đang kiếm ăn trong thảm thực vật đầm lầy ở tây nam Ba Lan ngày nay. Giống như tất cả các loài động vật có xương sống, giống như tất cả những loài động vật khác trên hành tinh của chúng ta, loài khủng long với chiều cao gần 1m và chiếc đuôi dài 1m này sẽ đào thải những gì nó không thể hấp thụ sau khi ăn.

Theo thời gian, những đống phân này đã trở thành hóa thạch, và một số loài bọ nhỏ được nhúng vào đó. Những con bọ này được ví như "đại sứ" của những nhánh côn trùng đã tuyệt chủng từ ​​lâu, đây cũng là lần đầu tiên con người phát hiện ra một loài côn trùng mới trong hóa thạch phân khủng long. Khám phá này gần đây đã được công bố trên tạp chí "Sinh học đương đại" (Current Biology).

CNN cho biết con bọ cánh cứng được đặt tên khoa học là Triamyxa coprolithica. Cái tên cho biết loài bọ này được tìm thấy trong phân hóa thạch (coprolites), sống trong kỷ Tam Điệp (kỷ Trias), kéo dài từ khoảng 252 triệu cho đến 201 triệu năm trước, và thuộc phân bộ Myxophaga. Phân bộ này bao gồm những loài bọ cánh cứng nhỏ ăn tảo, sống dưới nước hoặc phụ thuộc vào nước.


Hình ảnh mô phỏng lại loài bọ Triamyxa coprolithica. (Ảnh: CNN).

Để tìm được loài này, các nhà khoa học phải sử dụng phương pháp quét phân hóa thạch bằng tia X quang mạnh.

Sam Heads, giám đốc Trung tâm Cổ sinh vật học PRI tại Đại học Illinois, cho biết: “Hóa thạch côn trùng còn nguyên hình dạng ba chiều như thế này chưa từng được tìm thấy kể từ kỷ Tam Điệp. Vì vậy, phát hiện này rất quan trọng”.

“Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy những con bọ cánh cứng được bảo quản tốt như thế nào. Khi bạn mô hình hóa chúng trên màn hình, chúng như đang nhìn thẳng vào bạn”, Martin Qvarnström, tác giả nghiên cứu, phát biểu.

“Canxi phosphat có trong phân hóa thạch kết hợp với sự khoáng hóa sớm của vi khuẩn đã tạo điều kiện cho khả năng bảo tồn hóa thạch mỏng manh này”, tác giả viết trong nghiên cứu.

“Mặc dù Silesaurus dường như đã ăn rất nhiều cá thể triamyxa coprolithica, nhưng loài này quá nhỏ để trở thành con mồi mục tiêu”, nhà nghiên cứu Qvarnström nói.

“Kích thước nhỏ của chúng chắc chắn đã giúp chúng còn nguyên vẹn vì không bị nhai nát và được nuốt trọn”, ông Heads nhận định.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng phân hóa thạch có thể là sự thay thế đối với hổ phách để trở thành vật liệu bảo quản xác côn trùng tốt nhất.

“Tôi đã nghiên cứu về côn trùng hóa thạch được bảo quản trong hổ phách trong nhiều năm. Tôi đồng ý với các tác giả rằng các mẫu vật được tìm thấy trong phân hóa thạch rất giống với hổ phách về tính đầy đủ và mức độ bảo quản”, giám đốc Heads nói.

Các hóa thạch lâu đời nhất từ hổ phách cũng chỉ khoảng 140 triệu năm tuổi. Vì vậy, những hóa thạch phân khủng long có thể giúp các nhà khoa học khám phá nhiều điều bí ẩn hơn nữa.

“Chúng ta không biết côn trùng kỷ Tam Điệp trông như thế nào. Bây giờ thì chúng ta đã có cơ hội”, đồng tác giả nghiên cứu Martin Fikáček, nhà côn trùng học tại Đại học Tôn Trung Sơn ở Đài Loan, tuyên bố.

Cập nhật: 19/08/2021 Theo Zing/Trí Thức Trẻ
  • 1.169