Không chỉ trưng bày hiện vật, bảo tàng còn có nhiều loại hình tương tác và dẫn dắt người xem tự khám phá. Một công ty của Nhật đang thiết kế công trình, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2017.
Bảo tàng ra đời với mong muốn phổ cập kiến thức, khơi gợi niềm đam mê cho giới trẻ về công nghệ vũ trụ.
Với mong muốn phổ cập kiến thức, khơi gợi niềm đam mê cho giới trẻ về công nghệ vũ trụ, Trung tâm vệ tinh Việt Nam đang xây dựng Bảo tàng vũ trụ quốc gia. Đây một thành phần quan trọng của Trung tâm phổ cập kiến thức vũ trụ, với tổng diện tích 1.675m2 và một phần không gian ngoài trời 3.500m2. Công trình có tổng đầu tư hơn 44 tỷ đồng, đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia, bảo tàng đang được khởi công xây dựng, đến cuối năm nay sẽ hoàn thành thiết kế và dự kiến cuối 2017 sẽ mở cửa cho khách tham quan. "Nếu đi vào hoạt động thì lần đầu tiên ở Việt Nam có bảo tàng khoa học công nghệ", ông Tuấn nói và mong muốn nhận được sự ủng hộ của giới trẻ và cộng đồng.
Đại diện Trung tâm vệ tinh cho biết, không chỉ trưng bày các hiện vật, bảo tàng còn có nhiều loại hình tương tác và dẫn dắt người xem tự khám phá. Một công ty của Nhật - đơn vị thiết kế hầu hết bảo tàng quốc gia này sẽ xây dựng.
Đến bảo tàng, người xem sẽ có thêm kiến thức về cách nhìn của Việt Nam về vũ trụ, lịch sử phát triển công nghệ vũ trụ của thế giới. Họ còn có thể khám phá lịch sử sơ khai của vụ trụ và thông tin hữu ích về hệ mặt trời, thiên hà và những hố đen mênh mông.