Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Hang đá Long Môn của Trung Quốc là Di sản văn hóa Thế giới năm 2000.
Hang đá Long Môn nằm trên vách núi dựng đứng trên thung lũng Long Môn, ở ngoại ô cách thành phố Lạc Dương tỉnh Hà Nam cách trung tâm khoảng 12,5 km về phía nam. Bởi vì đây là vách núi mà 2 phía đông - tây đối diện với nhau, bên dưới có dòng sông Doãn Hà chảy qua nên nhìn như chiếc then cài cửa. Đây là nút giao thông quan trọng, lại công thêm phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc, khí hậu dễ chịu là cảnh quan thu hút văn nhân mặc sĩ đến du ngoạn thăm quan. Khi hang đá Long Môn được tìm thấy và khai quật, khu vực này càng thêm nổi tiếng và suốt từ ngày đó đến nay, địa danh này ngày càng thu hút khách thăm quan.
Cùng với hang Mạc Cao tại tỉnh Cam Túc, hang Vân Cương tại tỉnh Sơn Tây, hang Long Môn được coi là Kho tàng nghệ thuật điêu khắc quý của Trung Quốc. Theo tài liệu ghi lại, hang đá Long Môn bắt đầu được xây dựng từ thời Hán Văn Đế (năm 471 - 477), trải qua hơn 400 năm mới hoàn thành, đến nay có hơn 1500 năm lịch sử. Hang đá Long Môn có chiều dài khoảng hơn một km. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, Long Môn động có 2.345 hang động và hốc, 2.800 câu thơ chạm khắc, 50 tháp Phật, 100.000 pho tượng Phật. Trong đó có hang Tân Dương, chùa Phụng Tiên và hang Cổ Dương là tiêu biểu nhất.
Hang giữa Tân Dương là tác phẩm tiêu biểu của thời Bắc Ngụy (năm 386 đến năm 512). Hang này được thi công suốt 24 năm mới hoàn thành là hang được chạm khắc trong thời gian lâu nhất, trong hang có 11 pho tượng Phật lớn. Thích ca mâu ni là pho tượng chính trong đó, pho tượng này được tạc hết sức tự nhiên với nét mặt phật vô cùng thanh tú, được coi là kiệt tác nghệ thuật điêu khắc đồ đá của thời Bắc Ngụy. Trước pho tượng phật Thích ca mâu ni có tạc hai con sư tử đực khỏe mạnh. Hai đệ tử đứng và hai Bồ tát ở bên phải và bên trái tượng Phật Thích ca mâu ni cũng có nét mặt được tạc hết sức đôn hậu và thanh tú. Trong hang còn khắc tạc nhiều pho tượng Bồ Tát và tượng các đệ tử đang lắng nghe kinh Phật, trông rất sinh động. Tượng Nàng tiên Phi Thiên trên đỉnh hang được khắc họa hết sức tao nhã.
Chùa Phụng Tiên là hang lớn nhất của cụm hang đá Long Môn, đại diện cho phong cách nghệ thuật khắc đá của thời nhà Đường (năm 618-904). Chiều rộng và chiều dài của chùa đều hơn 30 mét. Tất cả cụm điêu khắc trong chùa Phụng Tiên là một chỉnh thể nghệ thuật hết sức hoàn mỹ trong đó phải kể đến pho tượng Phật Lư Sá là một kiệt tác nghệ thuật tuyệt hảo. Tổng chiều cao của tượng Phật Lư Sá khoảng 17 mét, thân hình của tượng phật đầy đặn trang nhã, hết sức sinh động. Ánh mắt đầy trí tuệ của bà từ trên đưa xuống, vừa vặn gặp ánh mắt của mọi người đến chiêm ngưỡng, khiến ai cũng cảm thấy sự rung động tự tâm mình, đầy sức hấp dẫn nghệ thuật.
Hang Cổ Dương là động được đục tạc sớm nhất trong cả cụm hang đá Long Môn, có nội dung phong phú nhất là một hang nữa có tính đại diện của thời Bắc Ngụy. Hang Cổ Dương có rất nhiều khám Phật, những khám Phật lớn đều có lời đề, ghi lại họ tên của tác giả hồi bấy giờ, cũng như năm tháng củ thể và nguyên do ra đời của nó... Tất cả những hiện vật này đều là tài liệu quý giá để nghiên cứu thư pháp và nghệ thuật điêu khắc của thời Bắc Ngụy.
Long môn mười hai tác phẩm là cột mốc lịch sử thư pháp Trung Quốc, phần lớn đều tập chung tại hang đá này. Với nét chữ ngay ngắn thành thạo, khí thế mạnh mẽ cứng cáp, nơi đây là tinh hoa của nghệ thuật thư cổ.
Cho đến nay hang đá Long Môn còn giữ được nhiều tài liệu quan trọng về lịch sử và mỹ thuật tôn giáo, mỹ thuật thư pháp, âm nhạc, trang phục, kiến trúc... Bởi vậy cụm hang đá Long Môn còn là viện bảo tàng nghệ thuật điêu khắc đá vào loại lớn của Trung Quốc.
Ngày 30 tháng 11 năm 2000, cụm hang đá Long Môn đã được đưa vào Danh sách di sản văn hóa Thế giới bởi đây là một công trình điêu khắc có nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử của Trung Quốc. Có thể nói khu di tích khổng lồ này là một bằng chứng rõ ràng cho tài năng và sức sáng tạo, thay đổi tạo hóa của con người Trung Quốc nói riêng và loài người nói chung.