Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Núi thiêng Sulaiman-Too của Kyrgyzstan là Di sản văn hóa thế giới năm 2009.
Sulaiman-Too là một ngọn núi linh thiêng tại Kyrgyzstan, theo ngôn ngữ địa phương thì Sulaiman Too có nghĩa là Vương Miện của Solomon. Trong Kinh Thánh Qur'an thì Solomon là một nhà tiên tri vĩ đại. Về mặt địa lý, núi thiêng Sulaiman-Too nằm gần thành phố Osh tại Kyrgystan. Nằm tại giao điểm ngữ tư trên tuyến đường quan trọng có tên gọi "Con đường tơ lụa", điều dễ hiểu vì sao ngọn núi này lại giữ vai trò vô cùng quan trọng về mặt địa lý và lịch sử.
Trong hơn một thiên niên kỷ rưỡi, Sulaiman-Too được coi như ngọn hải đăng soi đường cho những đoàn người đi qua con đường tơ lụa. Ngọn núi vô cùng linh thiêng trên con đường này, bởi những đoàn người đi lại đều hướng về đỉnh núi cầu nguyện cho chuyến đi của họ được an toàn, thuận buồm xuôi gió.
Cũng không phải tự nhiên mà ngọn núi này lại được sùng kính như vậy. Lý do dẫn tới việc này là bởi trên núi có vô số đền đài và điện thờ. Bắt đầu tử giữa sườn núi đổ lên tới đỉnh núi có nhiều nơi thờ tự cổ xưa gồm các hang động với những bức tranh khắc đá, nhà thờ hồi giáo và một vài điện thờ nhỏ. Theo tài liệu ghi chép thì hai nhà thờ Hồi giáo trên núi Sulaiman-Too được xây dựng vào thế kỷ thứ 16. Những điện thờ nhỏ được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17. Nhưng những hang động thờ tự có các bức tranh khắc đá thì hình thành từ trước đó sớm hơn rất nhiều. Niên đại đến nay tuy chưa chính xác xong dựa vào những hình khắc trong hang, có thể biết những hang động này đều tồn tại từ cách đây vài nghìn năm. Có khoảng 17 hang động lớn nhỏ trên núi thiêng Sulaiman-Too, có những hang được sử dụng làm hang thờ và tiến hành các nghi lễ tôn giáo, nhưng cũng có những hang được sử dụng làm nơi chữa bệnh cho những người hành hương qua lại trên tuyến đường này.
Với những giá trị về mặt tôn giáo và còn là nơi cứu chữa cho rất nhiều người bệnh trên đường vất vả, gian nan, ngọn núi này ngày càng trở nên có giá trị và linh thiêng như một điểm dựa về tinh thần đối với những đoàn người qua lại đây.
Ngọn núi thiêng Sulaiman-Too có thể coi là một biểu tượng về tín ngưỡng Hồi giáo tại Trung Á. Không chỉ có ý nghĩa về giá trị tôn giáo, núi thiêng Sulaiman-Too còn thống trị cảnh quan xung quanh thung lũng Fergana và góp phần hình thành cảnh quan thành phố Osh.
Trong thời kỳ trung cổ, thành phố Osh là thành phố lớn nhất tại thung lũng Fergana, cũng đồng thời là thành phố trọng yếu trên tuyến đường tơ lụa Trung Á. Các nhà buôn trên đường giao thương buôn bán đều phải ghé qua thành phố này trao đổi hàng hóa hoặc mua thêm thực phẩm đi đường.
Hai nhà thờ Hồi giáo được xây dựng trên ngọn núi thiêng Sulaiman-Too đến nay vẫn được bảo tồn khá toàn vẹn. Một phần rất nhỏ có bị ảnh hưởng của khí hậu cũng như thời gian song nhìn chung hai nhà thờ này vẫn giữ được dáng vẻ như khi mới được xây dựng vào thế kỷ 16,17.
Núi thiêng Sulaiman-Too của Kyrgyzstan được Tổ chức Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (iii), (v).
Tiêu chí (iii): Sự xuất hiện đa dạng và phong phú những hang đá, điện thờ....là minh chứng xác thực, mạnh mẽ cho các hoạt động trên ngọn núi thiêng Sulaiman-Too trong suột một thời gian dài của lịch sử. Bên cạnh đó, ngọn núi này có tác động mạnh tới việc hình thành cảnh quan của cả một khu vực rộng lớn trên con đường tơ lụa nổi tiếng của Trung Á.
Tiêu chí (v): Núi thiêng Sulaiman-Too là minh chứng sống động cho truyền thống mạnh mẽ của việc thờ núi đá kéo dài suốt nhiều thiên niên kỷ và gây ảnh hưởng sâu sắc tại một khu vực ở Trung Á.
Cho đến nay, các công trình kiến trúc tôn giáo trên ngọn núi thiêng vẫn còn khá nguyên vẹn, và ở trong tình trạng bảo quản tốt.